Theo Top War, truyền thông Nga mới đây đã đăng tải đoạn video ghi lại cảnh quân đội nước này sử dụng bom lượn gắn mô đun để bắn nổ một hệ thống phòng không IRIS-T của Ukraine. Vụ tập kích được thực hiện ở vùng Kherson, cách tiền tuyến khoảng 25km, thời gian cụ thể không được tiết lộ.
Trong đoạn video, tổ hợp IRIS-T của Ukraine được phát hiện trên một cung đường đồng trống. Sau đợt tập kích bằng bom thông minh, hệ thống phòng không đã phát nổ, trong khi trạm radar đi kèm bị hư hại nghiệm trọng.
Video Nga phá hủy hệ thống phòng không IRIS T của Ukraine bằng bom thông minh. Nguồn: Twitter
Thời gian vừa qua, quân đội Nga đã tăng cường sử dụng bom gắn mô đun hiệu chỉnh (UMPC) để tập kích các mục tiêu của đối thủ. Mô đun hiệu chỉnh trên các loại bom lượn của Nga có thiết kế tương tự với bộ điều khiển JDAM-ER của Mỹ, bao gồm hệ thống dẫn đường quán tính và hệ thống định vị GPS nhằm đảm bảo độ chính xác. Ngoài ra, nó còn có một thiết bị giữ ổn định và các cánh nhỏ, cho phép quả bom điều chỉnh hướng bay khi tiếp cận mục tiêu.
Tính đến hiện tại, Đức đã chuyển giao cho Ukraine 3 khẩu đội IRIS-T và có kế hoạch gửi thêm 6 khẩu đội nữa cho Kiev. Trước đó, Nga đã có 2 lần bắn nổ bệ phóng của tổ hợp IRIS-T vào tháng 8 và tháng 12 năm ngoái.
Cần lưu ý rằng, hôm 25/12/2023, Bộ Quốc phòng Nga thông báo về việc phá hủy hai bệ phóng của hệ thống phòng không IRIS-T do Đức cung cấp cho lực lượng vũ trang Ukraine.
IRIS-T là hệ thống tên lửa tầm trung, được thiết kế để đánh chặn tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo, cũng như máy bay phản lực, trực thăng và máy bay không người lái.
Bệ phóng có thể dựa trên khung gầm bánh lốp (MAN 8×8) hoặc bánh xích (xe địa hình BvS10) và mang theo bốn hoặc tám thùng chứa tên lửa để phóng thẳng đứng.
IRIS-T có hai chế độ bắn: Khoá trước khi phóng và khóa sau khi phóng, cho phép đánh chặn hiệu quả mục tiêu tại mọi góc độ, trong nhiều điều kiện giao tranh. Phiên bản SLM cho phép bắn trúng mục tiêu trên không ở khoảng cách lên tới 40 km, còn với phiên bản SLS ngắn hơn khoảng 25 km.
Mắt thần của hệ thống phòng không này có tên là TRML-4D - một hệ thống cảm biến hiện đại, được Công ty Hensoldt của Đức giới thiệu vào năm 2018. Hoạt động trong phổ băng tần C và sử dụng radar mảng pha quét điện tử chủ động cho phép phát hiện mục tiêu chỉ sau một lần xoay ăng ten, đồng thời cho phép hoạt động trong điều kiện nhiễu dày đặc và mật độ mục tiêu cao.
TRML-4D có khả năng phát hiện, theo dõi và phân loại mục tiêu trên không, đặc biệt là những tên lửa hành trình nhỏ, máy bay hoặc trực thăng ở tầm thấp. Hệ thống có thể phát hiện và theo dõi song song khoảng 1.500 mục tiêu ở chế độ 3D, bao quát 360 độ trong bán kính 250 km và ở độ cao lên đến 30 km.
Thục Hiền (T/h)