(ĐSPL) - Bộ Quốc phòng Iraq ngày 27/9 thông báo đã nhận từ phía Nga lô thứ 3 trực thăng vũ trang Mi-35 để chiến đấu với phiến quân IS.
Đây là những máy bay đa năng trang bị vũ khí với độ chính xác cao và vận tốc lớn. Nhiệm vụ cơ bản của số máy bay trực thăng này sẽ là giáng đòn tấn công vào các vị trí của nhóm cực đoan "Nhà nước Hồi giáo".
|
"Xe tăng bay" Mi-35 (tên gọi của NATO là Hind E) là một biến thể của trực thăng vũ trang Mil Mi-24 có từ thời Liên Xô cũ. |
Hiện chưa rõ Nga đã chuyển giao cho Iraq bao nhiêu máy bay trực thăng. Hợp đồng trị giá 4,2 tỷ USD về cung cấp cho cho Iraq các sản phẩm quân sự của Nga đã được ký kết vào năm 2012. Theo đánh giá của giới chuyên gia, chi phí để mua sắm máy bay trực thăng quân sự tấn công trị giá hơn 1 tỷ USD.
Đôi nét về trực thăng vũ trang Mi-35
Mi-35, một phiên bản xuất khẩu của Mi-24, là loại máy bay trực thăng vũ trang hạng nặng bắt đầu hoạt động trong Không quân Liên Xô từ năm 1976.
Từ năm 1978 đến nay, có khoảng 2.300 chiếc Mi-24 các loại phiên bản đã được sản xuất, trong đó có 600 chiếc cho xuất khẩu sang hơn 30 quốc gia trên thế giới.
Tên hiệu NATO của Mi-35 là Hind E. Các phi công Liên Xô gọi loại máy bay này là “Xe tăng bay”. Một tên hiệu thường gặp khác “Cá sấu” vì hình dạng ngụy trang và thân của nó.
Mi-35 có vận tốc cực đại là 335 km/h, tầm bay 450 km và trần bay 4.500 m. Vũ khí được trang bị cho Mi-35 bao gồm súng 12,7 mm (1.470 viên đạn), pháo GSh-30K nòng kép (750 viên đạn) chưa kể súng máy gắn ở cửa. Vũ khí gắn ngoài có tổng trọng lượng là 1.500 kg - bao gồm rocket 9K114 Shturm và 500 kg bom.
|
Ngoài súng 12,7 mm, pháo GSh-30K, Mi-35 còn có giá ngoài treo các loại tên lửa, bom có tổng trọng lượng 1.500 kg. |
Thiết kế chủ chốt của trực thăng Mi-35 dựa trên loại trực thăng vũ trang Mi-8. Vị trí đặt động cơ khiến máy bay này có kiểu bố trí hai cửa hút gió rất khác biệt. Các đặc điểm khung sườn khác được lấy từ loại Mi-14 "Haze". Các mấu cứng treo vũ khí được bố trí trên hai cánh ngắn giữa thân, mỗi cánh có ba mấu. Vũ khí trang bị tùy thuộc nhiệm vụ. Mi-35 có thể đảm nhiệm yểm trợ trên không, chống xe tăng hay không chiến. Thân máy bay được bọc thép và các phiến cánh quạt titan có thể chống lực va chạm từ những viên đạn 0,50 (12,7 mm). Buồng lái được tăng áp để bảo vệ đội bay trong trường hợp sử dụng vũ khí hạt nhân, sinh học và hóa học. Với mục tiêu thiết kế vừa là máy bay chiến đấu vừa là máy bay chở quân, Mi-35 không có đối thủ trực tiếp từ phía NATO.
Lịch sử chiến đấu
Loại máy bay này được quân đội Liên Xô sử dụng với tần suất cao ở Afghanistan, chủ yếu để không kích các chiến binh thánh chiến. Với những tên lửa tầm nhiệt Stinger của Mỹ viện trợ, trực thăng Mi-8 và Mi-24 đã trở thành các mục tiêu ưa thích của phiến quân.
Các máy bay trực thăng chiến đấu Mi-24 nằm trong số 333 máy bay trực thăng bị bắn rơi trong các chiến dịch quân sự tại Afghanistan. Buồng lái Mi-24 được bọc thép tốt và thậm chí có thể chống lại đạn 0.50 (12,7 mm), nhưng cánh đuôi của Hind rất dễ bị hư hại vì không được chú ý thiết kế bảo vệ.
|
Phe thánh chiến Afghanistan gọi trực thăng vũ trang Mi-24 là “Cỗ xe ma quỷ”. |
Trong cuộc chiến tranh này, Mi-24 đã chứng minh tính hiệu quả và tin cậy được cả các phi công Liên Xô và lực lượng thánh chiến công nhận. Phe thánh chiến gọi trực thăng vũ trang Mi-24 là “Cỗ xe ma quỷ”. Một trong những lãnh đạo phiến quân Afghanistan từng nói: “Chúng tôi không sợ người Xôviết. Chúng tôi sợ những chiếc trực thăng của họ”.
Mi-24 cũng được sử dụng thường xuyên trong Quân đội Iraq trong cả cuộc chiến tranh với nước Iran láng giềng. Trang bị vũ khí hạng nặng của nó là yếu tố chủ chốt gây ra những thiệt hại to lớn cho các lực lượng mặt đất Iran. Một chiếc Mi-24 thậm chí đã bắn rơi chiếc máy bay chiến đấu phản lực McDonnell Douglas F-4D Phantom ngày 26 tháng 10 năm 1982.
Loại Mi-24A đã được Không quân Nhân dân Việt Nam sử dụng nhiều trong cuộc chiến tranh Campuchia. Mi-24 đã tiêu diệt nhiều căn cứ và tiền đồn Khmer Đỏ cho tới tận năm 1986 khi các lực lượng Khmer Đỏ bị đẩy lùi tới biên giới Thái Lan.