Trong danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ "không thân thiện" mới được công bố của Nga có Australia, Anh, các nước Liên minh châu Âu (EU), Iceland, Canada, Liechtenstein, Monaco, New Zealand, Na Uy, Hàn Quốc, San Marino, Singapore, Mỹ, Đài Loan, Ukraine, Montenegro, Thuỵ Sĩ và Nhật Bản.
Một số quốc gia trong danh sách, bao gồm Mỹ, Canada, Thụy Sĩ và các nước EU, đã ban hành lệnh trừng phạt nghiêm ngặt nhằm vào Nga, các nhà tài phiệt nước này và cả Tổng thống Vladimir Putin. Những lệnh trừng phạt này đã giáng đòn mạnh vào nền kinh tế và góp phần khiến đồng ruble của Nga sụt giảm.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Getty
Các lệnh trừng phạt trên là sự phản ứng của các nước trên thế giới đối với chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, bắt đầu từ ngày 24/2 vừa qua. Đến nay, tình hình tại Ukraine vẫn diễn biến căng thẳng. Phía Nga và Ukraine cũng đã tiến hành 3 vòng đàm phán hoà bình, tuy nhiên, vẫn chưa có một thoả thuận đột phá nào được ký kết để giải quyết xung đột hiện tại.
Hôm 7/3, Điện Kremlin cho biết Moscow sẽ ngừng chiến dịch ở Ukraine nếu chính phủ Kyiv đồng ý với một số điều kiện nhất định, bao gồm ngừng mọi hành động quân sự, điều chỉnh hiến pháp của nước này để từ bỏ việc gia nhập NATO và công nhận Crimea là lãnh thổ của Nga.
Đồng thời, Nga cũng yêu cầu Ukraine công nhận Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng và Cộng hòa Nhân dân Luhansk là các quốc gia độc lập.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: "Chúng tôi thực sự đang hoàn thành việc phi quân sự hóa Ukraine. Chúng tôi sẽ hoàn thành nó. Nhưng vấn đề chính là Ukraine cần ngừng hành động quân sự. Họ nên dừng hành động quân sự của mình và sau đó sẽ không ai nổ súng".
Minh Hạnh (Theo Business Insider)