Defense Express đưa tin ngày 4/9, Người phát ngôn của Hải quân Ukraine - ông Dmytro Pletenchuk cho biết : "Nga đang sử dụng tất cả các hệ thống phòng không tầm xa và tầm ngắn hiện có để bảo vệ cầu Crimea. Chúng bao gồm S-300, S-400, S-500 và Pantsir".
Theo vị quan chức, ngoài tăng cường hệ thống phòng không, Moscow cũng xây dựng một công trình gần cầu Crimea. Ông Dmytro Pletenchuk nhận định hiện chưa rõ mục đích của công trình mới xây dựng, nhưng điều này cho thấy Nga đang lo ngại trước các cuộc tấn công tiềm tàng.
Trước đó, cuối tháng 8, truyền thông Ukraine từng đưa tin về việc Nga triển khai hệ thống phòng không Pantsir-S1 trên cầu Crimea để tăng cường khả năng phòng thủ tại khu vực này.
Công trình mới nằm cạnh cầu Crimea. Ảnh: Quốc phòng Ukraine
Cầu Crimea đóng vai trò là tuyến hậu cần quan trọng cho lực lượng quân sự Nga và là tuyến đường bộ duy nhất nối lãnh thổ Nga với bán đảo Crimea. Cây cầu nói trên được hoàn thành vào năm 2018, bốn năm sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine.
Ukraine từng thực hiện nhiều cuộc tấn công vào cây cầu này.
Cụ thể, hồi tháng 10/2022, Ukraine đã tấn công cầu Kerch dài 19 km bằng cách cho nổ một chiếc xe tải chở đầy chất nổ, khiến 4 người thiệt mạng.
Ukraine tiếp tục tấn công cây cầu này bằng xuồng không người lái vào ngày 17/7/2023, làm nổ tung một đoạn đường bộ và tuyến đường sắt trên cầu.
Sau vụ tấn công đó, khiến một cặp vợ chồng thiệt mạng và con gái của họ bị thương, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã gọi cầu Kerch là "mục tiêu quân sự hợp pháp", đồng thời tuyên bố bằng cách kết nối Nga với Crimea, cây cầu đó "mang lại xung đột chứ không phải hòa bình" và phải bị vô hiệu hóa.
Các quan chức cấp cao của Ukraine cũng nhiều lần tuyên bố việc phá hủy cây cầu bắc qua eo biển Kerch là ưu tiên hàng đầu của Kiev, khẳng định đây là mục tiêu quân sự hợp pháp.
Tiếp đến, tháng 8/2023, Kyiv đã phóng 3 tên lửa nhằm đánh sập cầu Kerch nhưng số tên lửa đó đã bị Nga đánh chặn, theo The Independent.
Cầu Crimea từng bị tấn công nhiều lần. Ảnh: Getty
Hồi tháng 5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, lực lượng Ukraine "đã sử dụng một số tên lửa tầm xa ATACMS do Mỹ sản xuất và được bí mật chuyển giao cách đây một tháng để chống lại Crimea". Tất cả tên lửa được phóng đi đều bị phá hủy.
"Tôi muốn một lần nữa cảnh báo Washington, London, Brussels rằng bất kỳ hành động gây hấn nào nhằm vào Crimea không chỉ chắc chắn sẽ thất bại, mà còn dẫn tới đòn đáp trả tàn khốc", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhấn mạnh.
Tuyên bố của bà Zakharova được đưa ra sau khi đặc phái viên của Ukraine tại Liên Hợp Quốc, ông Sergey Kislitsa, đã đưa ra lời đe dọa ngầm đối với cầu Crimea, ngụ ý rằng công trình này sẽ không còn tồn tại vào cuối năm nay.
Nga từng mở chiến dịch tấn công dữ dội nhằm vào hạ tầng năng lượng của Ukraine để trả đũa vụ đánh bom bằng xe tải làm sập một số dầm cầu Crimea hồi tháng 10/2022. Moscow cũng triển khai nhiều biện pháp để bảo vệ công trình, như tăng cường lưới phòng không trong khu vực và triển khai sà lan mồi nhử đánh lạc hướng các quả đạn đang bay tới.