Tổ hợp căn cứ tương lai của Nga trên Mặt trăng sẽ hoạt động trên các tài nguyên địa phương và có những cơ sở in 3D cho phép các phi hành đoàn lớn nhận được sự hỗ trợ.
Nga tiết lộ những thông tin ban đầu về căn cứ trên Mặt trăng. Ảnh minh hoạ: NASA |
Tham vọng thiết lập một căn cứ trên Mặt trăng của Nga không phải là điều gì bí mật, nhưng ít ai hình dung được cơ sở sẽ trông như thế nào. Hôm qua (7/7), Cơ quan Vũ trụ Nga Roscosmos đã làm sáng tỏ vấn đề này, cho biết dự án xây dựng căn cứ trên Mặt trăng sẽ bắt đầu sau một loạt các nhiệm vụ có người lái ngắn hạn.
Tổ hợp nhân tạo trên Mặt trăng sẽ được thiết lập bằng cách sử dụng các tài nguyên địa phương và công nghệ tiên tiến, cơ quan vũ trụ tiết lộ, đề cập đến một trong những phương pháp in 3D mới nhất.
Căn cứ cũng sẽ sở hữu các thiết bị khoa học và hỗ trợ sự sống, cho phép một phi hành đoàn lớn sống sót trong môi trường không có không khí trên Mặt trăng. Roscosmos không đưa ra lịch trình cụ thể cho dự án này, nhưng nhấn mạnh rằng công trình có thể sẽ trở thành hiện thực vào khoảng năm 2040.
Kế hoạch hiện tại của Nga là phát triển một phương tiện phóng hạng nặng mới trong thập kỷ tới và sử dụng nó để tạo ra căn cứ cố định trên bề mặt Mặt trăng. Roscosmos đã hợp tác với các quốc gia khác để thực hiện kế hoạch Trạm Cửa ngõ Quỹ đạo Mặt trăng (Lunar Orbital Platform Gateway) - kế hoạch nhằm xây dựng trạm không gian bay quanh Mặt trăng.
Trạm Cửa ngõ này sẽ đóng vai trò để chuyển tiếp cho các vệ tinh Trái đất và xa hơn nữa là nơi tiếp liệu cho tàu vũ trụ. Kế hoạch này nhằm giúp Nga cung cấp một số mô-đun cho trạm, nhưng nó có nguy cơ không thành công sau khi Roscosmos đặt vấn đề hợp tác vào tháng 9/2018 với các đối tác. Người đứng đầu Roscosmos Dmitry Rogozin phàn nàn rằng Mỹ dường như muốn Nga “đóng vai trò ít quan trọng hơn” trong dự án.
Các cường quốc khác cũng đã tham gia vào cuộc đua tới Mặt trăng. Vào tháng 1/2019, tàu vũ trụ Trung Quốc Change-4 đã hạ cánh xuống phía xa của Mặt trăng, thực hiện các phép đo và thu thập dữ liệu khoa học về sự hình thành và lịch sử của Mặt trăng.
PHƯƠNG PHƯƠNG (Theo RT)