Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nếu Mỹ cắt viện trợ, quân đội Ukraine sẽ ra sao?

  • Bảo An
(DS&PL) -

Những chính sách viện trợ của Mỹ đối với Ukraine trong thời gian qua là không hề nhỏ, nhưng trước bối cảnh Chính phủ Mỹ đã đối diện với nhiều khó khăn, dẫn đến năng lực viện trợ quân sự cũng bị tác động. Trường hợp Mỹ không thể tiếp tục viện trợ, đặt ra thách thức lớn đối với quân đội Kiev.

Trong cuộc chiến căng thẳng giữa Nga và Ukraine, Mỹ đã có đóng góp to lớn trong chiến dịch quân sự của Ukraine với nguồn viện trợ khổng lồ. Kể từ tháng 2/2022 đến nay, Washington đã cấp hơn 43 tỷ USD viện trợ an ninh cho Kiev.

Tuy nhiên, hoạt động này đang có dấu hiệu suy giảm bởi tiềm lực của Mỹ đang phải hứng chịu nhiều tác động. Tờ Wall Street Journal ngày 3/10 dẫn lời các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết ngân sách dùng để hỗ trợ quân sự và an ninh cho Ukraine còn khoảng 5,2 tỷ USD mà chưa có khoản bổ sung.

Mức này tương đương giá trị số vũ khí mà chính quyền Tổng thống Joe Biden chuyển giao cho Kiev trong 6 tháng qua. Tuy nhiên, các quan chức Lầu Năm Góc cho hay với tốc độ chuyển giao vũ khí phục vụ chiến dịch phản công của Kiev như hiện nay, họ chỉ có thể tiếp tục viện trợ cho Kiev thêm vài tháng nữa.

Vũ khí chiến đấu của Ukraine phần lớn từ nguồn viện trợ của các nước. Ảnh: AFP

Đứng trước nguy cơ Chính phủ bị đóng cửa, Quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật ngân sách tạm thời, đồng thời đã loại gói viện trợ bổ sung cho Ukraine.

Michael McCord, quan chức phụ trách vấn đề ngân sách của Bộ Quốc phòng Mỹ, cho biết ngân sách dành cho Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine, chương trình dài hạn của Lầu Năm Góc nhằm giúp quân đội Ukraine tương thích tốt hơn với NATO, cũng đã cạn kiệt.

"Nếu không có ngân sách bổ sung, chúng tôi sẽ phải trì hoãn hoặc cắt giảm hỗ trợ vốn để đáp ứng các nhu cầu cấp bách của Ukraine, như hệ thống phòng không và đạn dược, trong bối cảnh Nga chuẩn bị mở chiến dịch tấn công vào mùa đông và đang tiếp tục không kích các thành phố của Ukraine", ông McCord nói.

Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 2/10 cho rằng Mỹ và nhiều quốc gia sẽ sớm rơi vào tình trạng "mệt mỏi" vì "các khoản tài trợ vô lý cho chính phủ Ukraine", dẫn tới rạn nứt chính trị. Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre bác bỏ điều này, tuyên bố gói viện trợ mới cho Ukraine sẽ sớm được công bố, nhưng không nêu cụ thể thời điểm.

Không chỉ riêng Mỹ, một nguồn tin quân sự cấp cao ngày 2/10 cảnh báo Bộ Quốc phòng Anh cũng đã "cạn sạch" nguồn dự trữ vũ khí phòng không cùng đạn pháo để chuyển giao cho Ukraine.

"Anh đã chuyển cho Ukraine tất cả những gì có thể cung cấp", quan chức này nói. "Chúng tôi khuyến khích các quốc gia khác cung cấp thêm tiền và vũ khí cho Kiev".

Một chỉ huy quân đội Anh cho hay họ không thể chuyển giao tiếp vũ khí cho Ukraine, bởi "chúng tôi cần những chiếc Challenger 2 để nâng cấp thành Challenger 3". "Cho đi một xe tăng đồng nghĩa chúng tôi thiếu đi một chiếc", sĩ quan này nói.

Trước những thông tin viện trợ từ các quốc gia đối với Ukraine đang có xu hướng biến chuyển tiêu cực, các chuyên gia nhận định: Ukraine sẽ sớm cạn kiệt đạn dược và vũ khí cần thiết nếu các nghị sĩ Cộng hòa theo đường lối cứng rắn ở Mỹ thành công trong việc chặn viện trợ.

"Đó sẽ là kịch bản tồi tệ đối với Ukraine. Quân đội Ukraine sẽ suy yếu, thậm chí sụp đổ, ngay cả khi chỉ cần ở thế phòng thủ", Mark Cancian, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu và Chiến lược (CSIS) cho hay. Có thể việc tác động này sẽ diễn ra trong vài tuần nhưng đối với chiến tranh quân sự, thời gian ngắn cũng thay đổi nhiều cục diện.

James Black, Phó Giám đốc nghiên cứu an ninh, quốc phòng tại tổ chức RAND, giải thích những hệ thống này không thể thay thế bằng hệ thống khác dù cách thức hoạt động không khác nhau nhiều. "Nếu không có linh kiện của Mỹ, tính hiệu quả của hệ thống vũ khí tích hợp sẽ giảm và sẽ mất nhiều năm, thậm chí hàng chục năm, để các hệ thống của châu Âu thay thế hoàn toàn", ông Black nói.

Trước thông tin này, Ukraine cũng thể hiện rõ động thái, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói, ông tin rằng việc loại gói viện trợ Ukraine khỏi dự luật ngân sách chỉ là một vấn đề nhỏ, không phải một thay đổi mang tính hệ thống trong chính sách của Mỹ đối với Kiev.

Một quân nhân Ukraine cũng nhận định, những bất đồng trên chính trường Mỹ liên quan đến vấn đề viện trợ Ukraine chủ yếu do tác động từ cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới. Theo quân nhân này, nguy cơ Mỹ cắt viện trợ cho Ukraine rất thấp.

Bảo An (T/h)

Tin nổi bật