Ngày 10/7, tại Hà Nội, Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương phối hợp với Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức Hội thảo khoa học "Kinh tế số và TFP: Nền tảng đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam".
Theo tờ Sài Gòn Giải Phóng, hội thảo nhằm cụ thể hóa và triển khai hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đưa năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trở thành động lực then chốt, quyết định mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Theo các chỉ tiêu định hướng, đến năm 2030, TFP sẽ đóng góp trên 55% vào tăng trưởng kinh tế, tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao đạt tối thiểu 50% và quy mô kinh tế số đạt ít nhất 30% GDP, hướng tới 50% vào năm 2045.
Đây là diễn đàn quan trọng, đóng vai trò là điểm kết nối giữa hoạch định chính sách, giới học thuật và thực tiễn sản xuất - kinh doanh, nhằm khẳng định vị trí then chốt của TFP và kinh tế số đối với quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng ban, Ban Chính sách, chiến lược Trung ương nêu rõ 5 vấn đề lớn để đề nghị các đại biểu thảo luận: cách thức định lượng và phạm vi tính toán đóng góp của TFP và kinh tế số; mối quan hệ giữa kinh tế số và TFP; các giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số; việc sử dụng và phát huy hiệu quả dữ liệu số; hợp tác, học hỏi kinh nghiệm quốc tế.
Theo Giáo sư Tan Swee Liang, Đại học Quản lý Singapore, khi các yếu tố vốn và lao động đã được sử dụng một cách triệt để, chỉ có sự gia tăng về năng suất mới có thể thúc đẩy sản lượng tăng trưởng hơn nữa. Do đó, TFP chính là động lực chủ chốt của tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.
Trong khi đó, kinh tế số là nhân tố then chốt thúc đẩy TFP thông qua cải tiến R&D, giảm chi phí và nâng cao quản trị. Việc tự động hóa, phân tích dữ liệu lớn, IoT, và AI giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao hiệu quả và tạo ra giá trị gia tăng. Tuy nhiên, tác động tích cực này không tự động mà phụ thuộc vào hạ tầng số, nhân lực số hóa, sự chủ động đổi mới của doanh nghiệp và hoàn thiện thể chế.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Sài Gòn Giải Phóng
Năng suất lao động Việt Nam bằng 1/10 Singapore, bằng 3/4 Trung Quốc
Tại hội thảo, ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và xã hội số (Bộ Khoa học và Công nghệ) dẫn số liệu từ Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho hay, năng suất lao động Việt Nam chỉ bằng 1/10 Singapore và bằng 3/4 so với Trung Quốc đã cho thấy khoảng cách phát triển ngày càng lớn nếu không chuyển đổi mạnh mẽ.
Ông Tuấn cho rằng, để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% vào năm nay, tiến tới tăng trưởng 2 con số trong những năm tiếp theo, việc thúc đẩy chuyển đổi số cho khối doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã và hộ kinh doanh trở thành nhiệm vụ cấp bách.
Theo ông Tuấn, chuyển đổi số là xu thế tất yếu và là động lực quan trọng để nâng cao năng suất lao động, đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng cường năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.
“Đối với cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã và hộ kinh doanh, chuyển đổi số không chỉ là giải pháp để vượt qua thách thức mà còn là cơ hội lớn để nâng cao năng suất lao động, tạo ra giá trị gia tăng cao”, ông Tuấn nói.