Hiện nay, toàn tỉnh có 18 trạm biến áp (TBA) 110kV không người trực (KNT). Các TBA 110kV được xây dựng trong nhiều giai đoạn với các dạng kết cấu thiết kế ban đầu khác nhau, trong đó có 9 TBA được xây dựng theo tiêu chuẩn TBA 110kV có người trực được cải tạo thành TBA 110kV KNT. Các TBA 110kV do Đội Quản lý vận hành (QLVH) lưới điện cao thế Hưng Yên quản lý vận hành, việc quản lý vận hành thông qua trung tâm điều khiển xa tại Phòng Điều độ. Hiện nay, việc thu thập thông số kỹ thuật TBA 110kV KNT được thực hiện tự động. Tất cả việc thao tác đóng cắt, điều khiển thiết bị trạm 110kV được tiến hành ngay tại trung tâm điều khiển xa thông qua hệ thống thiết bị hiện đại. Bên cạnh đó, các hệ thống phụ trợ TBA KNT như giám sát an ninh; hệ thống báo cháy, báo khói tự động… được truyền về trung tâm điều khiển xa phục vụ công tác theo dõi, quản lý TBA. Thông qua việc chỉ huy, thao tác vận hành, đóng cắt thiết bị từ xa, trung tâm điều khiển xa đi vào hoạt động đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực như giảm thời gian thao tác vận hành, đóng cắt thiết bị TBA, rút ngắn thời gian bảo trì, bảo dưỡng, xử lý sự cố TBA, qua đó giảm thời gian mất điện. Ông Trần Quốc Hội, Đội trưởng Đội QLVH lưới điện cao thế Hưng Yên cho biết: Cùng với phần mềm điều khiển hiện đại, thông qua các khoá liên động sẽ khắc phục hoàn toàn những sai sót có thể xảy ra do yếu tố con người. Bảo đảm yếu tố an toàn, sức khoẻ cho người lao động, đặc biệt là trong thời tiết mưa bão do việc vận hành, điều khiển thực hiện ngay tại Trung tâm điều khiển xa.
Nhân viên Đội QLVH lưới điện cao thế Hưng Yên kiểm tra các thông số kỹ thuật của TBA 110kV Lý Thường Kiệt
Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng vận hành các TBA 110kV KNT, Đội QLVH lưới điện cao thế Hưng Yên giao cho 5 tổ thao tác lưu động (TTLĐ) quản lý vận hành. Căn cứ qui định của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc về việc kiểm tra thiết bị TBA 110kV KNT, Đội QLVH lưới điện cao thế Hưng Yên yêu cầu các tổ TTLĐ duy trì chế độ trực 24/24 giờ, kiểm tra định kỳ các TBA 1 lần/ngày. Các nội dung kiểm tra thực hiện theo biên bản được lập sẵn, sử dụng phần mềm kiểm tra để thực hiện các nội dung kiểm tra chi tiết đến từng bộ phận của từng thiết bị, có đánh giá thực trạng thiết bị bằng mắt thường, bằng các thiết bị công nghệ hỗ trợ. Khi phát hiện thiết bị xảy ra tình trạng phóng điện cục bộ, các điểm tiếp xúc bị phát nhiệt phải đánh giá nguy cơ, xác định nguyên nhân và lập phương án xử lý ngay; cán bộ kỹ thuật, nhân viên thực hiện kiểm tra chi tiết thiết bị, trong quá trình kiểm tra có hướng dẫn cách kiểm tra trọng tâm, trọng điểm và kinh nghiệm kiểm tra nhằm sớm phát hiện các nguy cơ sự cố nên từ năm 2021 đến nay, tại tất cả các TBA 110kV KNT của tỉnh không để xảy ra nguy cơ phóng điện bề mặt thiết bị, sự cố đầu cáp đấu nối trong TBA 110kV.
Ông Ngô Thế Tuyển, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Hưng Yên cho biết: TBA 110kV KNT là giải pháp tối ưu cho điều khiển hệ thống điện trên địa bàn tỉnh hiện nay. Qua đánh giá thực tế, TBA KNT đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực như: Giảm thời gian thao tác vận hành, đóng cắt thiết bị; rút ngắn thời gian bảo trì bảo dưỡng, xử lý sự cố TBA... Từ đó đã giảm tối đa nhân lực vận hành, giảm khối lượng công việc mà nhân viên vận hành phải thường xuyên theo dõi, ghi chép và báo cáo. Ngoài ra, khi theo dõi qua hệ thống máy tính, các nhân viên trực biết được tình hình vận hành thực tế trên lưới điện như điện áp, dòng điện, công suất… góp phần thực hiện tốt công tác QLVH và giảm tổn thất điện năng, nâng cao độ tin cậy để bảo đảm cung cấp điện an toàn, liên tục, đáp ứng các yêu cầu sử dụng điện của tỉnh. Trong thời gian tới, Công ty Điện lực Hưng Yên tiếp tục triển khai trạm biến áp số, sử dụng hiệu quả tối đa các bộ dữ liệu được thu thập để phục vụ giám sát, quản trị và dự báo trong công tác vận hành.
Thu Hà