Ngợp trước môi trường đại học, GPA "chạm đáy"
Năm 2018, Lê Nguyễn Sơn Tùng trở thành thủ khoa đầu vào ngành Văn học của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐH Quốc Gia Hà Nội với điểm số 24,75 khối C00. Trở thành sinh viên, vốn là một chàng hướng ngoại, Sơn Tùng tham gia đầy đủ các hoạt động ngoại khóa của khoa, là thành viên của nhiều CLB.
Thế nhưng, áp lực học tập lại khắc nghiệt hơn những gì Tùng nghĩ. Sơn Tùng chia sẻ với PV ĐS&PL, kiến thức các môn đại cương ở năm nhất rất nặng, trong khi đó các hoạt động ngoại khóa, công việc làm thêm khiến cậu không thể phân bổ thời gian hợp lý dẫn đến kết quả học tập không như ý.
Lê Nguyễn Sơn Tùng - thủ khoa đầu ra đạt GPA 3.78.
"Thời gian đầu, em thật sự gặp rất nhiều khó khăn trong việc làm quen với hai chữ đại học. Môi trường của đại học khác rất nhiều so với môi trường phổ thông. Các kiến thức, phương pháp giảng dạy, yêu cầu của giảng viên với chúng em rất lạ lẫm. Hơn nữa, chúng em phải học cách sống khác, gánh vác nhiều trách nhiệm hơn, phải tự lập hơn. Trong khi đó, em tham gia khá nhiều hoạt động ngoại khóa lẫn CLB nên kết quả học tập không được như mục tiêu đặt ra. Điểm tích lũy của em ở năm đầu so với "sàn" không thấp, nhưng nó cách xa với con số mà em đặt ra. Chính vì thế, trong khoảng năm nhất, em đã bị ngợp và rất sốc", Sơn Tùng cho hay.
Sau 1 năm đầu tiên không định hướng được cách học cũng như phân chia thời gian hợp lý, Sơn Tùng đã bắt đầu "giảm nhiệt".
Từ đây, chàng sinh viên quê Hà Nội đã bắt đầu biết chia thời gian biểu một cách hợp lý, việc học được cậu ưu tiên số 1.
Bằng việc kiên trì nghe giảng, chịu khó trao đổi với giảng viên, cắm rễ ở thư viện, GPA của Sơn Tùng đã tăng dần. Thế nhưng đây mới chỉ là một phần nhỏ trong phương pháp học của chàng thủ khoa.
Trở thành thủ khoa theo phương pháp học độc, lạ
Mê hiphop và nghiện rap là những gì thầy cô và bạn bè nói về chàng trai quê Hà Nội. Lại thêm năng khiếu "xuất khẩu thành thơ" nên khi làm mới lại bản thân, Sơn Tùng đã mang hiphop và rap vào thời gian biểu của mình.
Nói một cách dễ hiểu hơn, để có thể thuộc nhanh, nhớ lâu, cậu đã dùng chính chất liệu là những kiến thức học được để biến chúng thành những giai điệu bắt tai.
Nói cụ thể hơn về phương pháp học có phần lạ này, Sơn Tùng chia sẻ: "Có hai dạng người đạt được điểm GPA cao. Một là mọt sách chỉ cắm đầu vào học, hai là thiên tài bẩm sinh. Em không thuộc loại nào trong hai dạng người đó. Cá nhân em cũng đuối hơn nhiều bạn trong khoảng thời gian đầu. Tuy nhiên, trong quá trình học, em thấy rằng việc chăm chăm chăm hay học giỏi không phải tất cả. Các học phần, các thầy cô, các bài thi luôn có một mong đợi gì đó ở sinh viên. Em sẽ tìm xem những điều mong đợi đó là gì và tìm cách thỏa mãn đó, hay em nói vui là "biết chỗ nào nhiều máu để gõ cho chí mạng".
Sơn Tùng "biến" kiến thức thành rap.
Hai năm đầu, khối lượng kiến thức đại cương rất nhiều. Nếu đi theo lối mòn nghe - viết - đọc thuộc thì sẽ rất nhanh quên. Vốn có máu nghệ sĩ trong người, Sơn Tùng đã ngẫu hứng biến những thứ học được thành những giai điệu, tự sáng tác và tự biểu diễn. Hoặc những môn chuyên ngành có tính sáng tạo, yêu cầu làm việc nhóm, Sơn Tùng biến tấu kiến thức thành tiểu phẩm để thực hành. "Ai ngờ đâu nó lại giúp em nhớ lâu (cười)”, Tùng hóm hỉnh nói.
Phương pháp học có "một không hai" này được Sơn Tùng áp dụng trong phần lớn thời gian học đại học của mình.
Từ một sinh viên có GPA ở mức trung bình khá, Sơn Tùng đã dần ghi tên mình vào top "học bá" của lớp. GPA của cậu tăng lên theo từng kỳ và cậu "thâu tóm" hầu hết các loại học bổng. Năm 2022, Sơn Tùng xuất sắc trở thành thủ khoa đầu ra của ngành Văn học với GPA 3.78.
Sau cùng với những gì đã trải nghiệm trong 4 năm đại học của mình, Sơn Tùng dành lời khuyên cho các tân sinh viên: "Cần phải cân bằng được việc học và chơi. Nếu chỉ cắm đầu vào học, thực sự tâm lý sẽ rất căng thẳng và dễ nảy sinh stress. đừng quá tạo ra áp lực rằng mình phải bước thật nhanh, hay thấy sợ hãi khi bạn bè cùng trang lứa vượt qua mình quá nhiều. Mỗi người có một phương pháp riêng, đừng ngại thay đổi nếu như phương pháp đó không mang lại hiệu quả".
Hương Nguyễn