Theo CNA, các nhà khoa học Nam Phi đã ghi nhận các ca nhiễm COVID-19 do biến thể SARS-CoV-2 mới, có tên tên gọi B.1.1.529, vốn có khả năng chống lại miễn dịch của cơ thể.
Thông tin được công bố trong cuộc họp báo ngày 25/11 tại Johannesburg, Nam Phi.
"Thật không may chúng tôi đã phát hiện biến chủng mới có lượng đột biến rất cao, khiến ca nhiễm bùng phát trở lại", nhà virus học Nam Phi Tulio de Oliveira cho hay.
Biến thể B.1.1.529 đang khiến số ca nhiễm COVID-19 ở Nam Phi tăng nhanh. Ảnh: Reuters
Các dấu hiệu chẩn đoán ban đầu tại các phòng thí nghiệm cho thấy biến chủng này đã gia tăng nhanh chóng ở tỉnh Gauteng, một tỉnh đông dân nhất ở Nam Phi, và có khả năng đã có mặt ở 8 tỉnh thành khác.
Trước đó, các nhà khoa học cho biết, biến thể B.1.1.529 được phát hiện lần đầu ở Botswana có tới 32 đột biến ở protein gai. Các đột biến ở protein gai có thể làm thay đổi khả năng của virus truyền bệnh cho các tế bào cơ thể người và lây lan, hoặc cũng có thể làm cho các tế bào miễn dịch khó tấn công lại mầm bệnh.
Theo ông Oliveira, biến chủng mới mang tên khoa học B.1.1.529 cũng đã được phát hiện ở Botswana và Hong Kong trong số những người đi từ Nam Phi.
Bộ trưởng Y tế Nam Phi Joe Phaahla cho biết biến thể này là "mối lo ngại nghiêm trọng" và là nguyên nhân khiến ca COVID-19 hàng ngày tăng "theo cấp số nhân", khiến nó trở thành "mối đe dọa lớn". Nam Phi hôm 24/11 ghi nhận thêm hơn 1.200 ca nhiễm COVID-19, tăng 12 lần so với 100 ca hồi đầu tháng.
Nam Phi đã yêu cầu họp khẩn với nhóm nghiên cứu về sự tiến hóa của virus thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào 26/11 để thảo luận về biến chủng mới. Bộ trưởng Y tế Joe Phaahla cho biết còn quá sớm để nói liệu chính phủ có áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt hơn nhằm đối phó biến chủng mới.
Trong khi đó, Bộ Y tế Anh đã có động thái bày tỏ lo ngại về biến chủng mới đang phát tán ở Nam Phi và nhanh chóng cấm chuyến bay từ nước này cùng 5 quốc gia lân cận (gồm Namibia, Botswana, Zimbabwe, Lesotho và Eswatini). Công dân Anh trở về từ những nước trên sẽ phải cách ly.
“Điều chúng ta đã biết là biến chủng này có số lượng đột biến lớn, có lẽ là gấp đôi số đột biến ở chủng Delta”, Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cho hay.
Nam Phi là vùng dịch lớn nhất ở châu Phi với 2,95 triệu ca nhiễm và gần 90.000 ca tử vong. Năm ngoái, biến chủng Beta cũng lần đầu được phát hiện tại nước này.
Đầu năm nay, Nam Phi cũng đã phát hiện một biến chủng khác với tên gọi C.1.2 nhưng nó không gây nguy hiểm như biến chủng Delta và chỉ chiếm một phần nhỏ trong số các bộ gen được giải mã trong những tháng gần đây.
Hoa Vũ (T/h)