Nhắc đến năm Hợi, gợi nhớ cho chúng ta về thắng lợi lớn đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam: Chiến dịch Việt Bắc năm Đinh Hợi 1947 được chỉ huy bởi Tổng tư lệnh tuổi Tân Hợi: Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Với công lao to lớn sau chiến dịch này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định phong Đại tướng cho ông vào ngày 28/05/1948, đưa ông trở thành vị Tổng tư lệnh đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam khi mới 37 tuổi.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911 - 2013) |
Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh năm Tân Hợi (25 tháng 8 năm 1911) tại Lộc Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình. Ông được nhân dân Việt Nam và bạn bè khắp thế giới trìu mến gọi là tướng Giáp hoặc anh Văn. Ông là vị Đại tướng đầu tiên, Tổng Tư lệnh của Quân đội nhân dân Việt Nam, cũng là người chỉ huy đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, là một trong những người góp công thành lập Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, được đánh giá là "người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh".
Đại tướng Võ Nguyên Giáp được chính những đối thủ của mình đánh giá cao |
Cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã đưa ông lên tầm cao của các danh tướng thế giới. Được Chủ tịch Hồ Chí Minh ủy thác trọng trách cầm quân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nắm vững cẩm nang làm tướng mà Hồ Chủ tịch trao cho, quán triệt đường lối chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện và trường kỳ, đứng vững trên nền tảng chính trị của khối đoàn kết toàn dân, ông đã dẫn dắt toàn quân đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác trong suốt 30 năm chiến tranh giải phóng.
Đức độ, tài năng của ông đã đem lại cho ông niềm tin yêu trọn vẹn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; lòng mến mộ của bạn bè quốc tế và cả sự khâm phục của những người hôm xưa còn là đối thủ của ông. Ông là một trong số ít các nhân vật trở thành huyền thoại ngay cả khi còn đang tại thế.
Điểm khác biệt lớn nhất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà hiếm có vị tướng nào trên thế giới làm được, đó là sự nể phục và quý trọng của các vị tướng từng bại dưới tay ông. Tướng De Castries thất bại trước tướng Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã phải thừa nhận: “Tôi hân hạnh được làm đối thủ của Tướng Giáp, được làm kẻ chiến bại trực tiếp của một người tài giỏi như Tướng Giáp. Tôi ngưỡng mộ và kính phục ông”.
“Với cựu binh Pháp, Tướng Giáp luôn là người đối thoại vĩ đại. Ý chí dân tộc mạnh mẽ cùng với tài năng quân sự thiên bẩm đã đưa ông trở thành một nhân vật lịch sử, một nhà ái quốc mà người Pháp chúng tôi ngưỡng mộ”. Đó là lời khẳng định của Tướng Pháp Jean Dufourcq.
Đặc biệt trong cuộc gặp lịch sử giữa cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Robert McNamara với Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1997, chính tướng Chester Cooper của phía Mỹ đã bày tỏ thái độ ngưỡng mộ với Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Thưa ngài, tôi thán phục ngài từ 20 năm trước. Nay tôi vẫn thán phục. Chắc các bạn của tôi ở đây (Ý nói Tướng Robert McNamara) cũng sẽ như vậy”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị tướng quán triệt sâu sắc tư tưởng và phương pháp luận Hồ Chí Minh, là người cầm quân tiếp thu và thể hiện đầy đủ tư cách một người tướng gồm sáu đức tính Trí - Tín - Dũng - Nhân - Liêm - Trung mà Bác Hồ đã dạy. Những đức tính ấy, nhất là Trí và Dũng, bộc lộ rất sớm. Điều này có thể thấy qua cuộc đấu trí, đấu lực quy mô lớn đầu tiên giữa hai quân đội rất chênh lệch về trang bị kỹ thuật và trình độ tác chiến trong Chiến dịch Việt Bắc mùa khô năm 1947, để khẳng định rằng tài cầm quân ở tầm chiến lược của ông xuất hiện ngay từ những năm đầu của kháng chiến toàn quốc. Khái quát về tài thao lược binh pháp cũng như sự đức độ nhân hòa của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, GS. AHLĐ Vũ Khiêu đã viết: “Võ công truyền Quốc sử, Văn đức quán nhân tâm”
Chiến dịchThu Đông 1947: Bước ngoặt lịch sử!
Ngày 02/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập khai sinh nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Chính quyền non trẻ khi đó đã ký hiệp định hoàn hoãn nhưng người Pháp đã vi phạm hiệp định, tấn công nhiều tỉnh ở miền Bắc và ra tối hậu thư đòi tước vũ khí tự vệ ở Thủ đô.
Ngày 19/12/1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Bộ đội ta công kích đồng loạt vào các vị trí quân Pháp, sau đó nhanh chóng chuyển sang bao vây, ghìm giữ quân địch ở Hà Nội và các thành phố, thị xã trên địa bàn cả nước.
Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các chiến sĩ cách mạng tại Việt Bắc |
Bị sa lầy tại các thành phố, thị xã, thực dân Pháp xúc tiến việc chuẩn bị một cuộc tiến công lớn lên Việt Bắc, hòng tiêu diệt lực lượng chủ lực và cơ quan đầu não kháng chiến của ta bằng chiến lược “đánh nhanh, giải quyết nhanh". Với trên trên 12.000 quân tinh nhuệ được trang bị vũ khí, phương tiện hiện đại, quân Pháp hình thành hai “gọng kìm” lớn theo đường số 4, số 3 và phối hợp với cánh quân tiến theo sông Lô, sông Gâm nhằm bao vây chặt căn cứ Việt Bắc; đồng thời, cho quân nhảy dù xuống trung tâm chiến khu, tiến hành càn quét, tìm diệt chủ lực và cơ quan đầu não kháng chiến của ta.
Chiều ngày 14/10/1947, Thường vụ Trung ương Đảng họp thông qua Chỉ thị: “Phải phá tan cuộc tấn công mùa đông của giặc Pháp”. Hội nghị nhận định “nếu biết lợi dụng khai thác những chỗ yếu của Pháp thì nhất định cuộc tiến công của họ sẽ thất bại. Thường vụ nhất trí thực hiện ngay công thức “Đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung”, nhất trí tổ chức ba mặt trận như báo cáo của Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp.
Nhận thấy điểm yếu chí tử của quân Pháp là công tác hậu cần, Bộ Tổng chỉ huy dưới sự chỉ đạo của Võ Nguyên Giáp đã chủ trương “đánh mạnh ở mặt trận Sông Lô và đường 4, phá hoạt động giao thông vận tải tiếp tế của địch, kết hợp chặt việc phát động nhân dân bỏ vườn không nhà trống, triệt nguồn tiếp tế tại chỗ của địch”.
Vừa đánh vừa rút kinh nghiệm, bộ đội đã từng bước phá vỡ thế đánh nhanh thắng nhanh của quân đội Pháp, cuộc hành quân Lê-a phá sản hoàn toàn. Giai đoạn 2 Pháp tiếp tục mở cuộc hành quân Xanh-tuya từ ngày 19/11 đến ngày 14/12/1947 đánh vào khu vực tứ giác Tuyên Quang - Thái Nguyên - Phủ Lạng Thương - Việt Trì, nơi các cơ quan chính phủ Việt Minh trú đóng. Cuộc hành quân tiếp tục vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ của Việt Minh dưới sự chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Kế hoạch tiêu diệt đầu não Việt Minh của thực dân Pháp phá sản hoàn toàn.
Ngày 22/12/1947, cuộc chiến đấu chống địch tấn công Việt Bắc kết thúc thắng lợi. Việt Bắc đã trở thành "mồ chôn quân Pháp" với hơn 6.000 tên địch bị loại, bắn rơi 16 máy bay, bắn chìm 11 ca nô và tàu chiến và phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh khác. Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông năm Đinh Hợi 1947 diễn ra và giành thắng lợi trong thời gian tương đối ngắn trong cuộc kháng chiến trường kỳ, đã khẳng định đường lối chiến tranh nhân dân đúng đắn, cùng nghệ thuật quân sự đặc sắc của Việt Nam dưới sự chỉ huy tài tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Vương Xuân Nguyên/ Báo Đời sống & Pháp luật