Tin tức từ báo Dân Trí, Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, tính chung cả năm 2024, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 53 triệu người, tăng khoảng 575.400 người so với năm 2023.
Riêng trong quý IV/2024, số lượng lao động có việc làm tiếp tục tăng. Xu hướng là lao động có việc làm khu vực dịch vụ và khu vực công nghiệp và xây dựng tăng, trong khi giảm ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm.
Cụ thể, tổng số lao động có việc làm đạt 52,1 triệu người, tăng 414.900 người, tương ứng tăng 0,8% so với quý trước.
Tính chung năm 2024, tổng số lao động có việc làm đạt 51,9 triệu người, tăng 1,14% so với năm 2023.
Bên cạnh đó, 33,5 triệu người là lao động có việc làm phi chính thức. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức là 64,6%.
Năm 2024, lao động có việc làm tăng thu nhập bình quân là 7,7 triệu đồng/tháng
Theo Tổng cục Thống kê, mặc dù tốc độ giảm lao động phi chính thức chưa cao nhưng điều này cũng cho thấy thị trường lao động đã có sự cải thiện tích cực, tương ứng với bối cảnh tình hình kinh tế vĩ mô tiếp tục xu hướng tốt hơn cùng kỳ năm trước.
Cũng theo báo cáo về thị trường lao động, trong quý IV/2024, người lao động có thu nhập bình quân là 8,2 triệu đồng/tháng, tăng 550.000 đồng so với quý trước.
Lý giải về việc tăng khoản thu nhập này, cơ quan thống kê cho biết, đời sống của người lao động được cải thiện rõ rệt trong quý IV/2024. Những tháng cuối năm, nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Vì vậy, tốc độ tăng thu nhập bình quân của người lao động cao hơn so với quý trước.
Tính chung năm 2024, thu nhập bình quân tháng của người lao động là 7,7 triệu đồng/tháng, tăng 8,6% so với năm trước. Trong đó, thu nhập của lao động nam gấp 1,34 lần thu nhập bình quân tháng của lao động nữ.
Xét theo vùng, thu nhập bình quân tháng của lao động ở khu vực thành thị (9,3 triệu đồng) gấp 1,39 lần khu vực nông thôn (6,7 triệu đồng).
Theo đánh giá của Cục Việc làm, (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), năm 2025 sẽ là một năm với nhiều kỳ vọng và cơ hội để bứt phá. Đó là khi các thách thức vĩ mô như lạm phát và lãi suất cao ở các quốc gia bắt đầu ổn định; nền kinh tế Việt Nam tiếp tục thể hiện là địa điểm thu hút FDI hấp dẫn hàng đầu khu vực và trên thế giới; cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy được triển khai tích cực, hướng tới nền hành chính hiệu lực, hiệu quả.
Để bắt kịp với tốc độ phát triển chung của nền kinh tế, thị trường lao động Việt Nam sẽ cần vượt qua những thách thức, giới hạn hiện tại và có những đột phá cụ thể để vươn mình lớn mạnh hơn nữa.
Trong bối cảnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ứng dụng khoa học công nghệ được đẩy mạnh, thị trường lao động sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ khi lao động không có trình độ mất việc có thể gia tăng, thu nhập có thể giảm sút. Lực lượng lao động cũng có nguy cơ giảm khi người lao động rời bỏ thị trường vì cơ hội việc làm mất đi khi sản xuất kinh doanh chuyển đổi mô hình sử dụng máy móc tự động hóa, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), máy học…
Thách thức lớn nhất có lẽ là khả năng chuyển đổi nghề nghiệp của người lao động còn yếu khi thông tin thị trường lao động còn hạn chế. Đồng thời, kỹ năng và trình độ của người lao động không đáp ứng được sự thay đổi của cơ cấu việc làm.
Do đó, Cục Việc làm cũng nhấn mạnh tới việc xây dựng thể chế thị trường lao động, nhất là Luật Việc làm (sửa đổi), cơ bản hoàn thiện chính sách việc làm, thị trường lao động hiện đại, hội nhập, linh hoạt, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, thể chế hóa chủ trương, tầm nhìn của Đảng trong phát triển đất nước ta tới năm 2045.
Cùng với đó, tăng cường công tác quản lý nhà nước, phối hợp chặt chẽ với địa phương, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Thêm nữa, cần bám sát thực tiễn, thị trường lao động, bảo đảm tốt các thông tin thị trường lao động, việc làm từ địa phương để tham mưu kịp thời trong điều hành dịch vụ việc làm, kết nối cung - cầu lao động, dự báo thị trường lao động, giúp cho dịch vụ việc làm được phát triển, báo Nhân dân đưa tin.