Báo Thanh niên dẫn lời bà Phan Mai Hương, đồng sáng lập Công ty SSResource Media Pte.Ltd (Singapore) - đơn vị chuyên cung cấp thông tin và phân tích thị trường lúa gạo thế giới, nói rằng nguồn đáng tin cậy từ giới chức Myanmar cho biết, chính phủ nước này sẽ ra thông báo về việc hạn chế xuất khẩu tất cả các loại gạo. Khả năng cao là lệnh hạn chế sẽ có thời hạn từ ngày 1/9 – 15/10/2023.
"Thị trường gạo thế giới hiện đang quá nhạy cảm. Chắc chắn thị trường toàn cầu hôm nay và ngày mai sẽ có những phản ứng tức thì với thông tin hạn chế xuất khẩu gạo từ phía Myanmar, nơi đang được xem là nguồn cung gạo có giá trị hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên bình tĩnh vì Myanmar chỉ hạn chế xuất khẩu có thời hạn", bà Hương khuyến cáo.
Myanmar sắp tới sẽ hạn chế xuất khẩu tất cả các loại gạo. Ảnh minh họa: Vietnam Plus
Myanmar cùng với một số nước Đông Nam Á như Campuchia đang nổi lên là nguồn cung gạo quan trọng của thế giới sau khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo vào ngày 20/7/2023; bên cạnh nguồn cung lớn từ Việt Nam và Thái Lan, vốn đang có sản lượng hạn chế.
Trước đó, Bloomberg dẫn nguồn từ quan chức Ấn Độ cho biết: Ấn Độ đang xem xét đánh thuế mặt hàng gạo đồ xuất khẩu. Tuy nhiên sau đó, Reuters dẫn thông tin từ nguồn khác bác bỏ thông tin này. Điều cần lưu ý, Bloomberg chính là nơi đầu tiên "lộ" thông tin Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo.
Thông tin trên báo Công Thương, nguyên nhân của việc Myanma có thể hạn chế xuất khẩu gạo là do sau thời điểm 15/10, Myanmar sẽ cơ bản kết thúc vụ thu hoạch lúa lớn nhất trong năm. Trong khi đó, nước này và Indonesia đang có thỏa thuận mua bán gạo lớn nhất từ trước tới nay với sản lượng lên đến 80.000 - 100.000 tấn. Đây được xem là giao dịch lớn nhất mà Myanmar từng có.
Trên thực tế, thị trường lúa gạo của Việt Nam đã liên tục biến động kể từ thời điểm Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo. Trước những biến động của thị trường, Bộ Công Thương đã ban hành nhiều đạo kịp thời, giúp thị trường lúa gạo trong nước ổn định.
Giá lúa gạo ở nhiều địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long ngày 25/8 dù ở mức cao song không có sự tăng đột biến. Cụ thể gạo IR 504 ở mức 7.750 - 7.900 đồng/kg; OM 5451 duy trì quanh mốc 7.750 – 8.000 đồng/kg; giá lúa OM 18 ở mức 7.800 - 8.200 đồng/kg; Nàng Hoa 9 có giá 7.800 – 8.200 đồng/kg; lúa Nàng Nhen (khô) ở mức 15.000 đồng/kg; lúa Đài thơm 8 và lúa Nhật ổn định ở mức 7.800 - 8.000 đồng/kg.
Tương tự, giá gạo nguyên liệu dao động quanh mốc 12.450 đồng/kg; gạo thành phẩm ở mức 14.550 đồng/kg.
Đối với gạo xuất khẩu, hiện giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giữ vững vị trí cao nhất thế giới là 638 USD/tấn với gạo 5% tấm (cao hơn 8 USD/tấn so với gạo cùng loạt của Thái Lan); gạo 25% tấm ở mức 623 USD/tấn.
Vân Anh (T/h)