Ngày 1/3, Nhà Trắng và Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) thông báo, Mỹ và các đồng minh đã nhất trí xả 60 triệu thùng dầu từ các kho dự trữ của họ, nhằm giảm nhẹ tác động của căng thẳng Nga- Ukraine đối với giá xăng dầu thế giới.
Giá dầu đã tăng lên 100 USD/thùng sau khi căng thẳng Nga - Ukraine gia tăng. Ảnh minh hoạ
Một nửa số dầu này, tức là 30 triệu thùng, sẽ trích từ kho dự trữ dầu chiến lược của Mỹ, một nửa còn lại đến từ các đồng minh ở châu Âu và châu Á.
Theo Bộ Năng lượng Mỹ, việc xuất kho dự trữ chiến lược dầu mỏ nằm mục đích ổn định thị trường và chống lại tình trạng gián đoạn nguồn cung liên quan đến xung đột Nga-Ukraine.
Tuy nhiên, thông tin về lượng dầu được giải phóng - tương đương với mức tiêu thụ dầu chưa đầy một ngày trên toàn cầu - chỉ càng đào sâu mối lo ngại của thị trường về nguy cơ nguồn cung không đủ để bù đắp cho tình trạng gián đoạn ngày càng tăng.
Trước đó, trong phiên giao dịch 1/3, giá dầu thế giới tăng hơn 7% lên mức cao nhất kể từ năm 2014. Chốt phiên này, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn tăng 7 USD (7,1%) lên 104,97 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 8/2014.
Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 7,69 USD (8%) lên 103,41 USD/thùng, mức đóng cửa cao nhất kể từ tháng 7/2014, đồng thời ghi dấu mức tăng hàng ngày lớn nhất kể từ tháng 11/2020.
Các nhà phân tích cho rằng với việc một số thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đối tác, còn gọi là OPEC+, không đạt mức hạn ngạch sản lượng hàng tháng của họ, liên minh các nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu này sẽ không thể kiểm soát được sự biến động mạnh của giá dầu trên các thị trường quốc tế.
Theo báo cáo của OPEC, trong giai đoạn từ tháng 12/2021 - 1/2022, các thành viên OPEC đã tăng sản lượng thêm 64.000 thùng/ngày. Hiện các nước OPEC đang cung cấp tổng cộng 27,98 triệu thùng dầu/ngày ra thị trường.
OPEC+ dự kiến sẽ nhóm họp vào ngày 2/3. OPEC+ được dự đoán vẫn giữ kế hoạch tăng sản lượng thêm 400.00 thùng/ngày vào tháng 4.
Căng thẳng Nga-Ukraine gia tăng cũng đã gây thêm áp lực lên giá hàng hóa nông nghiệp, vốn đã bị đẩy lên cao hơn khi lạm phát gia tăng, khi giá lúa mì và ngô tăng hơn 4%/giạ (1 giạ lúa tương đương 20-22 kg) và đã tăng hơn 20%. Đáng chú ý, Ukraine là nước xuất khẩu chính của cả hai loại cây trồng này.
Mộc Miên (Theo newsnpr.org)