Ngày 3/2, các nước Mỹ, Anh, Pháp và Đức đã ra một tuyên bố chung nhất trí với báo cáo của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA), trong đó cho rằng Iran "không nhất quán" về việc đáp ứng các nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân (NPT).
Báo cáo của IAEA cho rằng cơ sở Fordow của Iran vi phạm nghĩa vụ hạt nhân. Ảnh: Azureedge
Tuyên bố chung nói rằng các hành động của Iran làm suy yếu khả năng của IAEA trong việc tiếp tục giám sát các cơ sở hạt nhân của Iran một cách kịp thời. Tehran cũng đã không đưa ra bất kỳ câu trả lời đáng tin cậy nào cho các câu hỏi của IAEA.
Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi cho biết Iran ngắt kết nối 27 camera giám sát của IAEA, đồng thời không giải thích được với về những dấu vết phóng xạ được tìm thấy ở những địa điểm mà nước này chưa từng công bố là địa điểm hạt nhân.
Iran cũng đã thực hiện một thay đổi không báo trước về hai bộ máy ly tâm làm giàu urani tại cơ sở Fordow với độ tinh khiết lên tới 60%, gần với tỷ lệ cần thiết để sản xuất vũ khí hạt nhân.
Sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2018, Iran đã từ bỏ một số nghĩa vụ được quy định trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015, bao gồm quy định tỷ lệ làm giàu urani không được vượt quá 3%.
Tháng 9/2022, cuộc đàm phán gián tiếp giữa Iran và Mỹ nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân do EU làm trung gia đã đi vào ngõ cụt. Hai bên đã đổ lỗi trách nhiệm về thất bại của đàm phán.
Trước thềm chuyến thăm của các chuyên gia từ Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế hồi giữa tháng 12 năm ngoài, Iran tuyên bố đã tăng khả năng làm giàu urani lên hơn hai lần.
Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi nhận định kho urani đã được làm giàu ngày càng tăng của Iran là một vấn đề gây quan ngại. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng việc Iran có kho dự trữ urani lớn được làm giàu "không có nghĩa là họ sở hữu vũ khí hạt nhân… Việc chế tạo một quả bom hạt nhân sẽ đòi hỏi quá trình thiết kế và thử nghiệm".
Hoa Vũ (T/h)