Reuters đưa tin ngày 4/8 (giờ địa phương) cho biết, Mỹ đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng nhằm tăng cường khả năng ứng phó với đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ ở nước này. Cùng ngày, Mỹ đã ghi nhận 6.600 ca mắc đậu mùa khỉ.
“Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng để đưa ra phản ứng ở cấp độ tiếp theo trong ứng phó với loại virus này. Chúng tôi kêu gọi mọi người Mỹ chú ý tới bệnh đậu mùa khỉ”, Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Xavier Becerra thông tin tại một cuộc họp.
Phát biểu cùng với ông Bacerra, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, Rochelle Walensky, tuyên bố sẽ cải thiện tính sẵn có của dữ liệu về các ca nhiễm bệnh đậu mùa ở khỉ nhằm để ứng phó với căn bệnh này.
Bệnh đậu mùa khỉ bắt đầu lây lan ở châu Âu trước khi di chuyển đến Mỹ, quốc gia hiện có nhiều ca nhiễm virus này nhất trên thế giới.
Một người đến tiêm vaccine ngừa bệnh đậu mùa khỉ ở Trung tâm chăm sóc sức khoẻ khẩn cấp Northwell Health tại Fire Island-Cherry Grove, New York, Mỹ, ngày 15/7. Ảnh: Reuters.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là "tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng được quốc tế quan tâm", ở mức báo động cao nhất. Tuyên bố của WHO vào hồi tháng 7 đã kêu gọi các quốc gia trên thế giới phối hợp tìm cách ứng phó với dịch bệnh và kêu gọi tài trợ để hợp tác tìm ra vaccine cũng như phương pháp điều trị.
Theo Reuters, chính phủ Mỹ đã phân phối 600.000 liều vaccine Jynneos của Bavarian Nordic (BAVA.CO) và triển khai 14.000 liều điều trị TPOXX của Siga Technologies (SIGA.O). Bà Walensky cho biết chính phủ nước này đặt mục tiêu tiêm chủng cho hơn 1,6 triệu người có nguy cơ cao.
Trong tháng 8, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bổ nhiệm hai quan chức liên bang để điều phối phản ứng của chính quyền đối với bệnh đậu mùa khỉ, sau khi California, Illinois và New York tuyên bố tình trạng khẩn cấp.
Theo WHO, virus đậu mùa khỉ gây bệnh với các triệu chứng ít nghiêm trọng hơn so với đậu mùa, thường chỉ lây lan ở trung và tây Phi. Virus đậu mùa khỉ có khả năng lây từ động vật sang người và giữa người với người.
Lây nhiễm giữa người với người xảy ra thông qua tiếp xúc với dịch cơ thể, tổn thương trên da hoặc bề mặt niêm mạc, tiếp xúc với các giọt bắn đường hô hấp.
Các chuyên gia nhấn mạnh căn bệnh này không được coi là bệnh lây truyền qua đường tình dục. WHO nhiều lần cảnh báo về sự kỳ thị xung quanh căn bệnh này. Kỳ thị có thể ngăn cản những người bị nhiễm bệnh tìm cách điều trị.
Bích Thảo (Theo Reuters)