National Interest bất ngờ tiết lộ một sự thật không nhiều người biết, đó là việc Mỹ từng chi tiền mua đến 21 máy bay chiến đấu MiG-29 của Nga.
Mỹ từng mua 21 chiến đấu cơ MiG-29. Ảnh minh hoạ: Getty |
Khi Liên Xô sụp đổ vào cuối năm 1991, các quốc gia mới độc lập trong lãnh thổ cũ của họ đã thừa hưởng kho dự trữ vũ khí khổng lồ mà Hồng quân để lại. Một trong những trường hợp thú vị nhất có liên quan đến lực lượng không quân của nước cộng hòa Moldova. Moldova có 34 chiếc MiG-29 Fulcrum, 8 máy bay trực thăng Mi-8 Hip và một số ít máy bay vận tải. Những con số đó được xem là trang bị rất đầy đủ cho một quốc gia nhỏ như vậy. Dân số của Moldova vào thời điểm đó chỉ khoảng hơn 3 triệu người.
Tuy nhiên, sau đó Moldova không đủ khả năng để duy trì phi đội máy bay, thậm chí còn phải đối mặt với một cuộc suy thoái sâu sắc. Trong khi đó, Mỹ lo ngại Moldova sẽ bán MiG-29 cho Iran vì hạm đội bao gồm 14 biến thể MiG-29C được cấu hình để trang bị vũ khí hạt nhân. Vì vậy, vào năm 1997, Mỹ đã triển khai “công cụ mạnh nhất” của họ để có được MiG-29 và công cụ đó chính là tiền. Washington đã mua 21 chiếc MiG-29 - bao gồm 14 mẫu C, 1 mẫu B và 6 mẫu A. Toàn bộ các chiến đấu cơ được vận chuyển nhỏ lẻ thông qua các máy bay vận tải C-17 tới Dayton, bang Ohio.
Việc mua máy bay phản lực không chỉ là một cách tốt để đảm bảo chúng không rơi vào tay Tehran, nó còn tạo cho Washington cơ hội để kiểm tra một trong những máy bay phản lực tinh vi nhất của Liên Xô từng được chế tạo. Đổi lại, Moldova nhận được 40 triệu USD hỗ trợ nhân đạo, một số xe tải quân đội và các thiết bị không gây nguy hiểm khác.
Moldova đã bán phần còn lại của không quân cho Eritrea và Yemen. Những chiếc MiG-29 mới của Mỹ phần lớn biến mất trong mê cung của các phi đội thử nghiệm, trung tâm tình báo và các cơ sở khai thác của không quân, Tạp chí Air & Space nhận định.
MiG-29 là một máy bay cơ động, rất lợi hại vào thời điểm đó. Tên lửa Archer AA-11 của nó rất tinh vi vào những năm 1990 vì khả năng khóa mục tiêu bằng hệ thống cue. Tuy nhiên, lợi thế này sẽ sụp đổ khi Lầu Năm Góc giới thiệu tên lửa AIM-9X vào năm 2003.
PHƯƠNG PHƯƠNG (Theo National Interest)