Mỹ và Triều Tiên đang có cuộc khẩu chiến lớn nhất từ trước đến nay. Trong khi đó giới quan sát chỉ ra rằng tuyên bố cứng rắn của Tổng thống Trump có thể phản tác dụng.
Trong tuyên bố đưa ra hôm 9/8, Triều Tiên cho biết, nước này đang xem xét kế hoạch cho một cuộc tấn công tên lửa nhắm vào đảo Guam, nơi có căn cứ của Mỹ ở Thái Bình Dương. Tuyên bố của Bình Nhưỡng đưa ra chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Donald Trump cảnh báo, bất kỳ mối đe dọa nào với nước Mỹ sẽ phải nhận về "lửa và cơn cuồng nộ chưa từng có".
Giật mình báo cáo mật của tình báo Mỹ
Mỹ và Triều Tiên đang khẩu chiến dữ dội. |
Bình Nhưỡng tuyên bố đã "lên kế hoạch cẩn thận" để tấn công đảo Guam, nơi có căn cứ quân sự chiến lược ở Thái Bình Dương của Mỹ. Hãng thông tấn Nhà nước Triều Tiên KCNA dẫn lời phát ngôn viên của Triều Tiên cho biết, kế hoạch này sẽ được triển khai bất cứ khi nào nhà lãnh đạo Kim Jong - un đưa ra quyết định. Trước đó, Washington khẳng định đã sẵn sàng sử dụng vũ lực trong trường hợp cần thiết để ngăn chặn chương trình tên lửa đạn đạo mang hạt nhân của Triều Tiên. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ban hành cảnh báo mạnh nhất đối với Bình Nhưỡng trong cuộc họp báo ở New Jersey. "Triều Tiên tốt nhất là không nên thực hiện bất kỳ mối đe dọa nào đối với Mỹ. Họ sẽ phải nhận về lửa và sự cuồng nộ chưa từng có", nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố.
Tình hình bán đảo Triều Tiên đang căng như dây đàn và có nguy cơ xung đột, khi Washington Post trích dẫn một báo cáo bí mật của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ nói rằng, Triều Tiên đã đạt được “dấu mốc quan trọng trên con đường trở thành một cường quốc hạt nhân chính thức” với khả năng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân. Đánh giá mới này cũng ước tính Bình Nhưỡng hiện tại đang sở hữu 60 đầu đạn hạt nhân.
Màn khẩu chiến ác liệt giữa Washington và Bình Nhưỡng tiếp tục lên tới đỉnh điểm bằng lời ca ngợi kho vũ khí hạt nhân của Tổng thống Donald Trump. Nói trên trang Twitter cá nhân, nhà lãnh đạo 71 tuổi khẳng định, kho vũ khí hạt nhân của Mỹ hiện đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết. "Hy vọng rằng chúng ta sẽ không phải sử dụng sức mạnh này. Nhưng sẽ không có lúc nào chúng ta không phải là quốc gia hùng mạnh nhất thế giới!", nhà lãnh đạo Mỹ tự hào.
Tuy nhiên ngay sau đó, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã lên tiếng trấn an tình hình rằng Tổng thống chỉ đang khẳng định Mỹ có khả năng bảo vệ mình và các đồng minh trước mọi cuộc tấn công. Người đứng đầu bộ Ngoại giao Washington cho biết, thông điệp đầy giận dữ của ông Trump gửi đến Triều Tiên “chỉ nhằm giúp cho nhà lãnh đạo Kim Jong-un hiểu một cách rõ ràng nhất” và "người Mỹ nên ngủ ngon".
Tuyên bố cho Triều Tiên nếm thử “hỏa lực và sự cuồng nộ chưa từng có” của Tổng thống Trump có thể coi là lời cảnh báo mạnh mẽ nhất, kể từ khi ông bước vào nhiệm kỳ ở Nhà Trắng. Tuy nhiên với nhiều người, những lời khẩu chiến dường như chẳng mang lại bất cứ thứ áp lực nào khiến Triều Tiên phải run sợ. Thượng nghị sĩ John McCain nói, ông không đánh giá cao lời hùng biện của Tổng thống Trump. “Bạn phải chắc chắn rằng mình làm được thì hãy nói”.
Mong manh “lằn ranh đỏ”
Hàn Quốc, Nhật Bản muốn tăng cường khả năng phòng thủ. Ảnh minh họa. |
Các chuyên gia cho rằng, việc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân là những điệp khúc quen thuộc mà Triều Tiên sử dụng trong nhiều năm qua. Nó không đồng nghĩa với việc nước này sẽ thực hiện một cuộc tấn công thực sự nhắm vào Mỹ.
Các nhà lãnh đạo phương Tây trong quá khứ vẫn hiểu điều này và thường để ngoài tai lời hăm dọa trên. Do đó, phản ứng thái quá của Tổng thống Trump được cho là không cần thiết trong tình hình hiện tại.
Bằng cách đưa ra lời đe dọa không kém phần táo bạo với Triều Tiên, Tổng thống Mỹ đang đưa căng thẳng khu vực lên mức độ mới. "Mọi thứ sẽ không trở nên an toàn hơn bằng cách đe dọa Triều Tiên, mà ngược lại, nó càng gieo thêm thù hận cho mối quan hệ vốn đã căng thẳng”, Jenny Town, chuyên gia tại viện Mỹ-Triều Tiên nhận định.
Diễn biến trên bán đảo Triều Tiên đang tăng nhiệt hơn bao giờ hết, khi đây là lần đầu tiên Bình Nhưỡng đưa ra một mục tiêu nhắm tên lửa cụ thể là đảo Guam của Mỹ. Trước đó, các tuyên bố của nước này thường chỉ là lời cảnh báo chung chung, không xác định.
Được biết đảo Guam là lãnh thổ ngoài khơi có căn cứ không quân và hải quân chiến lược quan trọng của Mỹ ở Thái Bình Dương và là địa điểm tấn công trực tiếp trong trường hợp nguy cơ xung đột với Triều Tiên nổ ra.
Giữa lúc tình hình căng thẳng Tokyo và Seoul, hai đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở châu Á, cũng khẩn trương xem xét một số đề xuất ứng phó với vũ khí của Triều Tiên.
Trong Sách trắng Quốc phòng công bố ngày 8/8, Chính phủ Nhật Bản tập trung vào mối đe dọa Triều Tiên khi các cuộc tranh luận nổ ra ở Nhật Bản về việc nước này có nên sở hữu thiết bị quân sự có thể tấn công phủ đầu nhằm phá hủy tên lửa Triều Tiên trước khi chúng phóng vào Nhật Bản hay không.
Trong khi đó, một số phe nhóm chính trị ở Hàn Quốc còn muốn đi xa hơn nữa khi ra tuyên bố ủng hộ Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Hàn Quốc.
Quốc Vinh