Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Mỹ theo đuổi tham vọng sở hữu siêu vũ khí không gian, quyết vượt mặt Nga và Trung Quốc

(DS&PL) -

Các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ vừa đề xuất chi 304 triệu USD để tài trợ cho chương trình nghiên cứu, phát triển vũ khí laser và vũ khí chùm hạt trong không gian.

Các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ vừa đề xuất chi 304 triệu USD trong ngân sách tài khóa 2020 để tài trợ cho chương trình nghiên cứu, phát triển vũ khí laser và vũ khí chùm hạt trong không gian, cùng các hệ thống phòng thủ tên lửa mới trong thời gian tới.

Mỹ quyết tâm phát triển vũ khí không gian. Ảnh: RT

Phát biểu trong cuộc họp báo tại trụ sở Bộ Quốc phòng hôm 13/3, các quan chức quốc phòng đã bày tỏ tin tưởng rằng nghiên cứu của họ sẽ dẫn đến việc phát triển những loại vũ khí có thể triển khai được trên thực tiễn. Đây không phải lần đầu tiên Bộ Quốc phòng xem xét phát triển những loại vũ khí như vậy.

Năm 1989, Mỹ đã phóng các chùm hạt trung tính vào không gian, như một phần của thí nghiệm có tên gọi là BEAR (Beam Accelerator Aboard a Rocket). Báo cáo sau đó cho thấy thí nghiệm này đã đạt được chút ít thành công.

Hiện các quan chức quốc phòng Mỹ đang có kế hoạch thử nghiệm vũ khí chùm hạt trung tính trên quỹ đạo vào năm tài chính 2023, như một phần trong nỗ lực tăng cường khám phá những loại vũ khí hoạt động trong không gian. Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, những loại vũ khí này là cần thiết nhằm chống lại các loại tên lửa mới của Trung Quốc, Nga, Triều Tiên và Iran.

Tuy nhiên, việc tính toán những loại nào có thể hoạt động tốt là một thách thức về kỹ thuật. Vì vậy Bộ Quốc phòng Mỹ đang thực hiện hai nghiên cứu. Trước hết là đánh giá xem liệu các loại vệ tinh được trang bị lazer có thể vô hiệu hóa tên lửa của đối phương ngay khi được bắn đi từ bệ phóng hay không.

Dự kiến nghiên cứu này sẽ tiêu tốn khoảng 15 triệu USD và được hoàn thành trong 6 tháng. Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng cũng sẽ rót kinh phí cho việc nghiên cứu vũ khí chùm hạt trung tính trong không gian, một dạng khác của vũ khí năng lượng định hướng có khả năng phá hủy tên lửa bằng các luồng hạt hạ nguyên tử di chuyển với tốc độ gần bằng tốc độ ánh sáng.

Ảnh minh họa: BGR.

Theo giới chức quân sự Mỹ, những tiến bộ về công nghệ sẽ giúp giảm chi phí của việc triển khai vũ khí chùm hạt trong không gian. “Chúng ta đã đi cả một chặng đường dài để tiến tới công nghệ mà chúng ta sử dụng ngày hôm nay. Hiện giờ chúng tôi tin rằng chúng tôi có thể đưa một phần loại vũ khí đang phát triển lên quỹ đạo”.

Quá trình quân sự hóa vũ trụ gần như bắt đầu từ thời Tổng thống Barack Obama và đang được đẩy mạnh dưới thời Tổng thống hiện nay. Điều này có thể được xem như là một đấu trường mới, nơi sẽ diễn ra cuộc chạy đua vũ trang mạnh mẽ.

Ngoài ra, việc quân sự hóa vũ trụ còn có ý nghĩa chiến lược đối với Mỹ. Bởi việc này cho phép khả năng tấn công phủ đầu vào các đối phương tiềm năng mà Nga được coi là một trong số đó.

Chuyên gia Vladimir Vasilyev thuộc Viện Mỹ và Canada, trực thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga, dự báo Mỹ đang nỗ lực thể hiện sự vượt trội của mình so với tất cả, bởi chỉ có số ít quốc gia trên thế giới có khả năng hoạt động quân sự trên vũ trụ.

Cũng lẽ đó, Trung Quốc đang cố tiến vào vũ trụ, nhưng gặp phải những khó khăn nhất định. Mỹ cũng cho rằng họ có khả năng thể hiện công khai sự vượt trội của mình trong vũ trụ, chuyên gia Vladimir Vasilyev kết luận.

Chuyên gia Vladimir Vasilyev thuộc Viện Mỹ và Canada. Ảnh: Getty

Mới đây, Cơ quan Tình báo Quân đội (DIA) thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết trong báo cáo ngày 11/2:  “Trung Quốc và Nga đang chế tạo các vũ khí để chống lại việc Mỹ phụ thuộc nhiều vào các hệ thống trong vũ trụ rồi thách thức vị thế của Mỹ trên không gian.

Bản báo cáo cho hay Mỹ hiện vận hành nhiều vệ tinh để vận hành các công nghệ dẫn đường, nhắm mục tiêu cho vũ khí và thu thập tin tình báo. Các vệ tinh cũng mang theo các cảm biến có nhiệm vụ phát hiện tên lửa do các nước đối địch phóng lên.

Tuy nhiên, với việc Nga và Trung Quốc nhanh chóng tăng cường tiềm lực quân sự, các vệ tinh của Mỹ luôn có thể bị bắn hạ ngay khi có xung đột.

Báo cáo nhấn mạnh, cả Nga và Trung Quốc đều có khả năng phát triển những “loại vũ khí bằng laser để phá hủy, làm suy yếu hoặc gây tổn thương các vệ tinh trong không gian do Mỹ vận hành và các cảm biến của chúng”.

Báo cáo cho biết thêm, Nga dường như là nước đầu tiên sở hữu năng lực đánh chặn trên không gian, khi đã giao vũ khí laser cho Lực lượng Không gian Vũ trụ của nước này trước tháng 7-2018. Các hệ thống này nhiều khả năng sẽ được sử dụng cho sứ mệnh chống vệ tinh đối địch.

Mỹ cũng thừa nhận Nga và Trung Quốc sẽ sớm triển khai các hệ thống tên lửa di động trên mặt đất có thể phá hủy các mục tiêu ở quỹ đạo thấp của Trái đất, cùng với tên lửa đạn đạo. Ngoài ra, Moscow và Bắc Kinh đang nghiên cứu các vệ tinh đủ sức tấn công các vệ tinh đối địch của Mỹ trên không gian.

NGUYỄN QUỲNH (T/h)

Tin nổi bật