Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đang có những bước tiến quan trọng trong các cuộc thảo luận với Mỹ về kế hoạch ngừng sử dụng hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-400 để được phép mua chiến đấu cơ F-35 và có thể khôi phục lại vị thế đối tác cấp 3 trong chương trình sản xuất loại máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 này.
Theo trang Kathimerini, Mỹ được cho đã đưa ra một đề xuất với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm giải quyết những vướng mắc xoay quanh hợp đồng tiêm kích F-35 với Ankara. Đề xuất này cho phép Thổ Nhĩ Kỳ có thể giữ lại các hệ thống tên lửa phòng không S-400 mua từ Nga nhưng phải do quân đội Mỹ kiểm soát.
Đây được xem là thay đổi lớn từ phía Mỹ nhằm giải quyết dứt điểm các tranh chấp đối với việc chuyển giao tiêm kích tàng hình F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ. Các quan chức Lầu Năm Góc hy vọng Ankara sẽ chuyển toàn bộ số tên lửa S-400 đến căn cứ quân sự của Mỹ ở Incirlik, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ.
Thỏa thuận này về cơ bản giúp Thổ Nhĩ Kỳ vẫn giữ được uy tín của mình và không phá vỡ các cam kết trong hợp đồng mua S-400 với Nga.
Mỹ vừa đưa ra thỏa thuận để Thổ Nhĩ Kỳ có thể mua "tia chớp" F-35. Ảnh minh họa
Tuy nhiên, theo nguồn tin của Kathimerini, phản ứng của Thổ Nhĩ Kỳ đối với đề xuất này không mấy tích cực. Tuy nhiên, các cuộc thảo luận sẽ tiếp theo sẽ được hai bên đưa ra thảo luận bên thềm Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 79 tại New York.
Việc Mỹ đề xuất thỏa thuận trên cho Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy những nỗ lực của Nhà Trắng nhằm giải quyết thỏa thuận F-35 với Ankara. Dù vậy kế hoạch này vẫn cần có sự đồng ý của Quốc hội Mỹ.
Giới chức quân sự Mỹ cũng đánh giá rất cao khả năng phòng thủ của S-400 và coi sự phổ biến của dòng vũ khí phòng không hiện đại này sẽ khiến thị trường xuất khẩu máy bay F-35 bị thu hẹp.
Do đó, Mỹ bằng nhiều cách khác nhau cố gắng ngăn cản việc Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu và đưa vào trang bị S-400, thậm chí là đe dọa trừng phạt. Washington từng dọa loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi hệ thống phòng không-phòng thủ tên lửa chung của NATO và áp dụng đạo luật Trừng phạt các quốc gia đối thủ (CAATSA), nếu Ankara cố tình đưa vào trang bị các tổ hợp S-400.
Thổ Nhĩ Kỳ đã bị loại khỏi chương trình quốc tế về sản xuất F-35 vào năm 2020 theo Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) vì mua S-400. Quốc hội Mỹ đã thông qua CAATSA vào năm 2017 để xử phạt bất kỳ quốc gia nào thực hiện các giao dịch quốc phòng quan trọng với Nga.
Tuy nhiên, có những yếu tố mà Thổ Nhĩ Kỳ có thể xem xét trước khi đưa ra quyết định cuối cùng về hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 do Nga sản xuất.
Năm 2021, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã "nêu rõ quan điểm của mình" về việc mua S-400 của Nga, đồng thời nói rằng Ankara bị "loại bỏ một cách bất công" khỏi chương trình máy bay chiến đấu của Washington. Ông Cavusoglu kêu gọi Mỹ đưa Thổ Nhĩ Kỳ trở lại chương trình này, hoặc tìm cách hoàn trả khoản đầu tư của Ankara, nếu không Thổ Nhĩ Kỳ sẽ xem xét các lựa chọn khác.
Hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumf (NATO định danh là SA-21 Growler) do Phòng thiết kế tên lửa NPO Almaz phát triển trên cơ sở kế thừa những tinh hoa cả về công nghệ quân sự lẫn kinh nghiệm chiến đấu của các tổ hợp tiền nhiệm, tạo nên sức mạnh tổng hợp mạnh mẽ và hiệu quả mà không có hệ thống nào tương tự trên thế giới có thể sánh kịp.
Theo tờ Business Insider (Mỹ), hệ thống này được đánh giá là có khả năng chiến đấu gấp gần 4 lần hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ. Chìa khóa giúp S-400 có sức mạnh chính là tính linh hoạt và khả năng tấn công đồng thời nhiều mục tiêu ở cự ly lên tới 400km.
Các tên lửa S-400 có thể tấn công các mục tiêu ở cự ly xa đến 400km và ở độ cao lên tới 30km trong môi trường nhiễu mạnh của đối phương.