Nhật Bản cùng Mỹ đang chuẩn bị đưa thêm nhiều tàu chiến tiến tới bán đảo Triều Tiên trong lúc căng thẳng đang tiếp tục leo thang...
Lo ngại Triều Tiên thử tên lửa trong tháng 4
Theo hãng tin Reuters, Nhật Bản đang chuẩn bị đưa thêm nhiều tàu chiến tới tham gia cùng nhóm tàu sân bay Mỹ đang tiến tới bán đảo Triều Tiên. Hành động của Tokyo và Washington nhằm ngăn chặn Triều Tiên tiến hành các đợt thử nghiệm tên lửa và hạt nhân tiếp theo.
Hạm đội do tàu sân bay USS Carl Vinson dẫn đầu tập trận cùng tàu khu trục Nhật hồi tháng 3 vừa qua (Ảnh: EPA). |
Hai nguồn thạo tin giấu tên cho biết, nhiều tàu khu trục của hải quân lực lượng phòng vệ Nhật Bản cũng sẽ cùng nhóm tàu USS Carl Vinson tiến vào vùng biển Hoa Đông.
Sau khi Nhật Bản đưa ra động thái trên, Chủ tịch Trung Quốc trong một cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kêu gọi sự kiềm chế trong khu vực.
Trung Quốc “cam kết với mục tiêu phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, đảm bảo gìn giữ hòa bình và ổn định trên bán đảo và ủng hộ việc giải quyết vấn đề thông qua con đường hòa bình”, ông Tập Cận Bình nói.
Lời kêu gọi trên được ông Tập đưa ra sau một loạt các dòng trạng thái trên Twitter của Tổng thống Mỹ kêu gọi Bắc Kinh tích cực gây sức ép với Bình Nhưỡng, yêu cầu Triều Tiên dừng chương trình hạt nhân.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp tại bang Florida, Mỹ. (Ảnh: AFP) |
Ông Trump cũng ngầm “đe dọa” Bắc Kinh khi nhắc nhở rằng quan hệ thương mại Mỹ-Trung và tương lai quan hệ hai nước sẽ còn phụ thuộc vào chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
“Triều Tiên đang tự tìm rắc rối. Nếu Trung Quốc quyết định giúp đỡ (Mỹ), điều đó sẽ thật tuyệt. Nếu không, chúng ta sẽ tự tìm cách giải quyết”, ông Trump viết trên Twitter.
Nhóm tàu sân bay Mỹ trước đó được dự định sẽ tới thăm Australia và bắc Singapore nhưng sau đó đã chuyển lịch trình hướng tới bán đảo Triều Tiên do những suy đoán rằng Bình Nhưỡng đang lên kế hoạch phóng tên lửa vào những dịp lễ kỉ niệm quan trọng của đất nước sẽ diễn ra trong tháng này.
Giới quan sát nhận định, Triều Tiên sẽ thử tên lửa vào đúng hoặc gần những dịp kỷ niệm 105 ngày sinh của nhà lập quốc Kim Nhật Thành (15/4) hoặc kỷ niệm 85 năm thành lập Quân đội Nhân dân Triều Tiên (25/4).
Trung Quốc bắt đầu gây sức ép lên Triều Tiên?
Bắc Kinh đã có những tín hiệu đầu tiên nhằm gây sức ép với Bình Nhưỡng và nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu các công ty từ chối nhận than của Triều Tiên và dừng toàn bộ hoạt động nhập khẩu từ cuối tháng 2.
Thay vào đó, Trung Quốc bắt đầu nhập khẩu than từ Mỹ, lần đầu tiên trong 2 năm qua, một động thái được cho là khiến Washington rất hài lòng.
Màn hình ứng dụng Thomson Reuters Eikon theo dõi hành trình di chuyển của tàu hàng cho thấy những tàu chở hàng của Triều Tiên đang chở than về lại cảng Nampo của nước này (Ảnh: Reuters). |
Các nguồn tin cho hay, tàu Mỹ và Nhật sẽ cùng tham gia tập trận chung, gồm cả hoạt động hạ cánh trực thăng trên tàu của nhau và trao đổi thông tin liên lạc khi Carl Vinson đi qua vùng biển Nhật Bản.
Có thể thấy, sự hợp tác giữa lực lượng hải quân của 3 đồng minh Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc ngày càng chặt chẽ. Tháng trước, tàu hộ tống của 3 nước đã tập trận chung nhằm tăng cường khả năng phát hiện và theo dõi tên lửa Triều Tiên.
Carl Vinson được vận hành bởi hai lò phản ứng hạt nhân, có thể mang theo gần 100 máy bay. Nhóm tác chiến của tàu có thể bao gồm tàu khu trục và tàu tuần dương có tên lửa dẫn đường. Một tàu ngầm cũng có thể tham gia vào nhóm này.
“Nhật Bản muốn triển khai vài tàu khu trục khi Carl Vinson tới biển Hoa Đông”, một nguồn tin Nhật Bản nói.
Hiện lực lượng phòng vệ Nhật Bản vẫn chưa có phản ứng với thông tin trên.
Căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên vẫn tiếp tục leo thang. (Ảnh: Express). |
Trong khi đó, truyền thông Trung Quốc cảnh báo rằng bán đảo Triều Tiên đang ở thời điểm cận kề với một cuộc chiến hơn bất kỳ lúc nào khác, kể từ khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên vào năm 2006.
Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc khẳng định, Bắc Kinh cần nhiều biện pháp hơn với Triều Tiên, gồm cả việc hạn chế nhập dầu mỏ.
“Bình Nhưỡng có thể tiếp tục theo đuổi lập trường cứng rắn. Tuy nhiên, vì an ninh của Triều Tiên, quốc gia này ít nhất nên tạm dừng các hoạt động tên lửa và hạt nhân. Bình Nhưỡng nên tránh mắc sai lầm lần này”, tờ Thời báo Hoàn cầu viết.
Một nhà ngoại giao cấp cao Nhật Bản cho rằng, Mỹ đưa nhóm tàu chiến đến áp sát bán đảo Triều Tiên để ép Bình Nhưỡng đồng ý với giải pháp ngoại giao đối với các chương trình vũ khí hạt nhân, tên lửa.
“Nếu xem xét một cách tổng thể, ta có thể thấy một sự thật rằng Chính phủ Mỹ vẫn chưa đưa ra cảnh báo với công dân của mình tại Hàn Quốc. Vì thế, tôi cho rằng khả năng Lầu Năm Góc hành động quân sự vào thời điểm này là không cao”, nhà ngoại giao nói.
Một vài chuyên gia Hàn Quốc nhận định, việc Triều Tiên thử hạt nhân vào thời điểm này khó có khả năng xảy ra. Giáo sư Kim Dong-yub thuộc Viện Nghiên cứu Viễn Đông tại Đại học Kyungnam (Hàn Quốc) cho rằng, khả năng Bình Nhưỡng chỉ mới phóng tên lửa đạn đạo chứ chưa thể xảy ra một vụ nổ hạt nhân.
Hôm 11/4, Triều Tiên cảnh báo Mỹ, những hành động khiêu khích từ phía Washington có thể sẽ hứng chịu “những hậu quả thê thảm”.
“Chúng tôi sẽ khiến Mỹ phải hứng chịu những hậu quả thê thảm bởi những hành động gây xúc phạm. Triều Tiên sẵn sàng phản ứng với bất kỳ loại hình chiến tranh nào từ Mỹ”, hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên.
Danh Tuyên