Theo AFP, ngày 20/10, Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa đề xuất quốc hội nước này gói ngân sách an ninh trị giá gần 106 tỷ USD, chủ yếu trong đó nhằm viện trợ quân sự cho Ukraine và Israel.
Cụ thể, Nhà Trắng muốn cung cấp thêm cho Ukraine 61 tỷ USD và cho Israel 14 tỷ USD.
31 tỷ USD còn lại sẽ được chi cho việc đối phó với Trung Quốc, củng cố năng lực quốc phòng các đồng minh khu vực châu Á - Thái Bình Dương và hỗ trợ nhân đạo cho người dân ở Dải Gaza, Ukraine và Israel.
Động thái trên của ông Biden nhằm thuyết phục người dân Mỹ rằng nước này phải thể hiện "vai trò lãnh đạo toàn cầu" của mình.
Tại phòng Bầu dục, Tổng thống Mỹ khẳng định gói ngân sách an ninh trên sẽ bảo vệ lợi ích của nhiều thế hệ người Mỹ trong tương lai.
Tuy nhiên, gói ngân sách trên chắc chắn sẽ chưa được thông qua ngay lập tức. Quốc hội Mỹ còn đang trong tình trạng tê liệt khi Hạ viện nước này vẫn đang không có chủ tịch.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 20/10 đề xuất quốc hội cấp 106 tỷ USD cho gói an ninh quốc gia mới, bao gồm các khoản hỗ trợ Ukraine, Israel.
Ngày 3/10, Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua việc cách chức chủ tịch cơ quan này của ông Kevin McCarthy. Từ đó đến nay, chưa có ứng viên nào giành đủ số phiếu để đảm nhận vai trò trên.
Theo RT, đề xuất hỗ trợ tài chính mới của Nhà Trắng cho thấy khoản trợ cấp hàng tháng cho chính phủ Ukraine giảm từ 1,1 tỷ USD xuống còn 825 triệu USD.
Trước đó, các tài liệu cho thấy Mỹ gửi 1,1 tỷ USD mỗi tháng tới Ukraine như một phần của chương trình Quỹ Hỗ trợ Kinh tế, cho phép Kiev tăng ngân sách và trả lương cho nhân viên chính phủ.
"Yêu cầu này đưa ra lộ trình đi từ hỗ trợ ngân sách trực tiếp từ 1,1 tỷ USD mỗi tháng đến 825 triệu USD mỗi tháng", đề xuất nêu. Những con số được đưa ra dựa trên ước tính mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về ngân sách năm 2024 của Ukraine và "giả định của Mỹ về việc EU, Nhật Bản và các nhà tài trợ khác nhiệt tình chia sẻ gánh nặng".
Nhật Minh (T/h)