Tối 22/11 (giờ địa phương), Mỹ đã chính thức lên tiếng về chiến dịch không kích Syria "Claw-Sword" của Thổ Nhĩ Kỳ. Theo đó, Nhà Trắng nhận định dù chiến dịch này có thể gây khó khăn cho lực lượng người Kurd được Mỹ hậu thuẫn trong cuộc chiến chống lại khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) nhưng Thổ Nhĩ Kỳ có quyền tự vệ.
Phát biểu trước báo giới, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho hay: "Thổ Nhĩ Kỳ đã phải hứng chịu những mối đe dọa khủng bố thật sự, đặc biệt ở phía Nam đất nước. Họ dĩ nhiên có quyền tự vệ và bảo vệ người dân của họ".
Tuy nhiên, ông Sullivan nói thêm chiến dịch xuyên biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ có thể vấp phải "sự phản ứng đến từ Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) - đối tác của Mỹ" và "hạn chế khả năng tiếp tục chiến đấu chống lại IS của lực lượng này" trong khu vực.
Hậu quả của một cuộc không kích của Thổ Nhĩ Kỳ vào làng Taal Baql, tỉnh Hasakah, Syria, ngày 20/11. Ảnh: AP
SDF là một lực lượng do Mỹ hậu thuẫn, kiểm soát khu vực miền Bắc Syria. Trong cuộc chiến chống lại nhóm khủng bố IS, SDF được cho là đóng vai trò quan trọng. Phần lớn các chiến binh SDF bao gồm lực lượng dân quân người Kurd YPG, mà Ankara coi là một nhánh của Đảng Công nhân Kurdistan (PKK) bị gắn mác "khủng bố".
Được biết, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu chiến dịch "Claw-Sword" vào ngày 20/11. Trong đó, quân đội nước này thực hiện các cuộc không kích nhằm vào Syria và Iraq nhằm tiêu diệt những phần tử "khủng bố" có liên quan tới vụ đánh bom thành phố Istanbul ngày 13/11 vừa qua.
Ngày 21/11, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar báo cáo sau 48 giờ đầu tiên của chiến dịch, khoảng 200 kẻ khủng bố đã bị tiêu diệt.
Trong chuyến thăm đến tỉnh Artvin, ở biên giới với Gruzia, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu: "Chúng tôi biết danh tính, vị trí và hồ sơ theo dõi của những kẻ khủng bố. Chúng tôi cũng biết rất rõ ai là người bảo trợ và khuyến khích những kẻ khủng bố này. Hy vọng chúng ta có thể tiêu diệt những phần tử này càng sớm càng tốt".
Minh Hạnh (Theo RT)