Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Mỹ dự tính mua lại Ericsson và Nokia nhằm cạnh tranh với Huawei

(DS&PL) -

Mỹ dự tính mua lại Ericsson và Nokia nhằm tăng khả năng cạnh tranh với Huawei, trong bối cảnh hãng này đang mở rộng thị trường ở châu Âu.

Mỹ dự tính mua lại Ericsson và Nokia nhằm tăng khả năng cạnh tranh với Huawei, trong bối cảnh hãng này đang mở rộng thị trường ở châu Âu.

Mỹ muốn mua lại Ericsson và Nokia để cạnh tranh với Huawei? Ảnh minh họa

Tờ The Wall Street Journal hôm 25/6 dẫn nguồn tin nội bộ tiết lộ, chính quyền của Tổng thống Mỹ Trump đang thảo luận về kế hoạch tăng cường cạnh tranh với Huawei thông qua việc tiếp quản các tên tuổi đến từ châu Âu là Ericsson và Nokia.

Theo nguồn tin cho biết, do dịch bệnh, Washington chỉ thỉnh thoảng mới liên hệ với Cisco System cũng như các công ty công nghệ, các nhà khai thác viễn thông khác của Mỹ cùng một số các công ty đầu tư tư nhân bàn bạc về khả năng mua lại Ericsson và Nokia.

Chính quyền Mỹ đề xuất cung cấp cho Ericsson và Nokia những nhượng bộ về thuế ở Mỹ hoặc hỗ trợ cho các doanh nghiệp Mỹ đồng ý mua lại hai công ty đến từ châu Âu này.

Trước đó, một nhóm chuyên gia bao gồm cựu Giám đốc NASA Daniel Goldin và cựu Giám đốc công nghệ của Nokia Hossein Muin, đề xuất thành lập một tập đoàn công nghệ dưới sự bảo trợ của Mỹ, và với sự hỗ trợ của chính phủ liên bang, tập đoàn này sẽ có thể thu hẹp khoảng cách giữa các công ty Mỹ và Huawei.

Trong khi đó, phía Huawei cũng trong ngày 25/6 đã phát đi thông báo cho biết, họ đã được hội đồng địa phương Nam Cambridgeshire, Cambridge đã “bật đèn xanh” cho giai đoạn 1 của dự án xây trung tâm nghiên cứu và phát triển của hãng này ở Anh.

Huawei đã mua 202 héc-ta đất ở địa phương trên và dự kiến đổ 1,2 tỷ USD vào xây dựng trung tâm có diện tích hàng chục nghìn m2, tạo ra khoảng 400 công ăn việc làm ở địa phương. Huawei tính biến cơ sở này thành trụ sở quốc tế cho ngành kinh doanh quang điện tử của tập đoàn.

Thông báo của Huawei hoàn toàn trái ngược với tuyên bố trước đó của cựu Thủ tướng Anh Tony Blair. Ông Tony cho rằng sẽ rất khó nếu Anh không hợp tác với Mỹ trong bất cứ lĩnh vực gì có liên quan tới an ninh của Mỹ.

Những động thái từ nước Anh được cho là sẽ khiến Mỹ phật lòng, bởi Washington cho rằng dự án của Huawei dường như là một phần của nỗ lực từ Trung Quốc nhằm mở rộng “sự giám sát” tới các quốc gia phương Tây.

Năm 2019, Mỹ đã liệt Huawei vào danh sách đen thương mại vì lo ngại các vấn đề liên quan tới an ninh quốc gia. Mới đây nhất, chính quyền ông Trump hôm 24/6 đã liệt tập đoàn Huawei vào danh sách 20 công ty Trung Quốc được Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) hậu thuẫn.

Hoa Vũ (T/h)

Tin nổi bật