Hãng Reuters đưa tin, ngày 20/7 (giờ địa phương) Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết, Mỹ sẽ cung cấp thêm cho Ukraine một lô vũ khí tấn công tầm xa nữa, bao gồm 4 bộ hệ thống phóng tên lửa đa năng HIMARS.
"Đây là giai đoạn then chốt của cuộc xung đột. Do vậy, sự ủng hộ tập thể của chúng ta dành cho Ukraine là rất quan trọng và cấp bách", ông Austin nói và cho biết quyết định đã được Tổng thống Mỹ Joe Biden cho phép.
Hệ thống phóng tên lửa HIMARS. Ảnh: Wiki
Gói viện trợ an ninh mới nhất này nâng tổng số pháo HIMARS mà Mỹ cấp cho Ukraine lên 16 hệ thống. Tổng cộng, Mỹ đã cung cấp 8 tỷ USD hỗ trợ an ninh cho Ukraine kể từ khi xung đột bắt đầu nổ ra, trong đó 2,2 tỷ USD đã được cấp vào tháng trước.
Cùng với đó, phương Tây đã cung cấp cho Ukraine các loại pháo hạng nặng tầm xa hơn và nhiều hệ thống rocket phóng loạt để Kiev có thể đối phó với sự vượt trội của pháo binh Nga.
Với sự xuất hiện của vũ khí tấn công tầm xa do phương Tây hỗ trợ như HIMARS, quân đội Ukraine mới đây đã công bố một số video và hình ảnh, tuyên bố sử dụng các loại vũ khí viện trợ nước ngoài này để phá hủy lượng lớn thiết bị kỹ thuật quân sự của Nga.
Trong khi đó, quân đội Nga cũng công bố một đoạn video về máy bay không người lái, mô tả rằng nó đã phá hủy một số tên lửa HIMARS trong tay quân đội Ukraine.
Hôm 18/7, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoygu khi thị sát Bộ chỉ huy Phương Đông của Nga, ông đã ra lệnh cho quân đội Nga ưu tiên tiêu diệt vũ khí tầm xa của quân đội Ukraine.
HIMARS là tên lửa tự hành bánh lốp, được trang bị 6 ống phóng để phóng tên lửa dẫn đường bằng GPS với tầm bắn 80km. Ngoài ra, nó còn có thể sử dụng để phòng Tên lửa chiến thuật lục quân với tầm bắn 300km. tuy nhiên, lô HIMARS Mỹ cung cấp cho Ukraine không được trang bị tên lửa như vậy.
Pháo HIMARS được các chuyên gia đánh giá là một trong những vũ khí có khả năng cơ động cao và hiệu quả nhất mà Ukraine dùng để đối phó với quân đội Nga trong thời gian qua.
Hoa Vũ (Theo Thời báo Hoàn Cầu)