Thông tin trên báo VnExpress, Fitch Ratings vừa hạ bậc tín nhiệm của Mỹ, từ mức cao nhất là AAA xuống AA+. Nguyên nhân là do “chất lượng điều hành đi xuóng”, thông báo hôm 1/8 của Fitch nêu rõ. Ví dụ như bất đồng quanh vấn đề trần nợ công đầu năm nay, khiến Mỹ gặp rủi ro vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử.
Phiên giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán New York (Mỹ). Ảnh: REUTERS
Giải thích về việc hạ tín nhiệm, Fitch cho biết họ dự báo "tình hình tài khóa của Mỹ sẽ xuống cấp trong ba năm tới, gánh nặng nợ công sẽ tăng cao và chất lượng quản trị đi xuống so với các nước có cùng xếp hạng AA và AAA trong hai thập kỷ qua". Fitch cho rằng những điều này khiến Mỹ liên tiếp rơi vào bế tắc khi đàm phán nâng trần nợ, và chỉ tìm được giải pháp vào phút chót.
Fitch cho biết quyết định của họ không chỉ dựa trên tình hình trần nợ mới nhất, mà là kết quả của việc "chất lượng quản trị giảm dần trong 20 năm qua, liên quan đến vấn đề tài khóa và nợ nần".
Phản ứng trước quyết định của Fitch, Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên tiếng phản đối. "Tôi hoàn toàn không đồng tình với quyết định này. Đánh giá của Fitch là tùy tiện và dựa trên các số liệu đã cũ", Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết hôm 1/8.
Thư ký Báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cũng phản đối quyết định này. "Rõ ràng là sự cực đoan của các quan chức đảng Cộng hòa - từ việc cổ súy vỡ nợ, làm giảm chất lượng quản trị và nền dân chủ, đến tìm cách gia hạn ưu đãi thuế cho người giàu và các tập đoàn - đã đe dọa kinh tế Mỹ", bà cho biết.
Về phản ứng của Washington, theo tạp chí Doanh nghiệp và Kinh doanh, các đảng viên Dân chủ trong Quốc hội đã tận dụng sự việc để đổ lỗi cho Đảng Cộng hoà vì đã trì hoãn việc nâng trần nợ công hồi đầu năm nay.
“Đây là kết quả của cuộc khủng hoảng nợ do Đảng Cộng hoà dàn dựng. Họ đã nhiều lần đặt niềm tin và sự tín nhiệm của quốc gia vào tình thế nguy hiểm, và giờ đây, Đảng Cộng hoà phải chịu trách nhiệm khi chúng ta bị hạ bậc lần thứ 2”, các nhà lập pháp Đảng Dân chủ trong Ủy ban Tài chính và Thuế vụ nhấn mạnh.
Trong khi đó, phát ngôn viên chiến dịch của các đảng viên Cộng hoà tại Hạ viện, ông Jack Pandol viết trên nền tảng X (trước đây là Twitter) rằng nguyên nhân của việc bị hạ xếp hạng là “Bidenomics” - tức các chính sách kinh tế của Tổng thống Biden.
Hôm 31/7, Bộ Tài chính Mỹ đã nâng ước tính khoản vay ròng trong quý III lên 1.000 tỷ USD, nhiều hơn dự đoán của một số nhà phân tích và cao hơn con số ban đầu là 733 tỷ USD mà cơ quan này đưa ra vào tháng 5.
Việc Fitch hạ xếp hạng của Mỹ có thể là vấn đề đáng ngại đối với các quỹ hoặc công cụ theo dõi chỉ số nhắm đến các trái phiếu có xếp hạng AAA. Có khả năng các quỹ sẽ buộc phải bán ra tài sản vì lý do tuân thủ.
Moody’s Investors Service vẫn đang giữ nguyên xếp hạng Aaa của Mỹ, mức xếp hạng cao nhất của hãng này.
Theo báo VOV, quyết định của Fitch Ratings về việc hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ được đưa ra sau khoảng 3 tháng sau khi Tổng thống Joe Biden ký duyệt dự luật nâng trần nợ công chỉ vài ngày trước khi nước Mỹ được dự báo vỡ nợ.
Hồi tháng 6, tổ chức này vẫn xếp Mỹ trong diện theo dõi hạ bậc xếp hạng tín dụng, bất chấp việc Quốc hội nước này đã thông qua thỏa thuận nâng trần nợ công vào phút chót.
Mặc dù thỏa thuận nâng trần nợ là một thông tin "tích cực", song Fitch Ratings bày tỏ lo ngại về việc Mỹ liên tục rơi vào bế tắc trong cuộc đàm phán trần nợ và sự chia rẽ về đảng phái ngày càng trầm trọng. Đây cũng là lý do khiến tổ chức này hạ xếp hạng của Mỹ trong năm 2011 và đây là động thái chưa từng có tiền lệ, bất chấp Quốc hội Mỹ khi đó đã thống nhất nâng trần nợ.
Được biết, lần gần đây nhất và cũng là lần đầu tiên nước Mỹ bị hạ bậc tín nhiệm là vào năm 2011. Khi đó, S&P hạ xếp hạng của nước này từ mức cao nhất là AAA xuống AA+. Hơn 1 thập kỷ sau, S&P vẫn duy trì mức xếp hạng này.
Vân Anh (T/h)