Reuters đưa tin ngày 2/8, cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch Ratings Inc. đã hạ xếp hạng tín nhiệm của chính phủ Mỹ từ AAA xuống AA+, với lý do tài chính suy thoái trong 3 năm tới và sự lặp đi lặp lại của các cuộc đám phán trần nợ căng thẳng có nguy cơ ảnh hưởng đến khả năng thanh toán các hóa đơn của chính phủ.
“Theo quan điểm của Fitch, đã có sự suy giảm dần về các tiêu chuẩn quản lý trong 20 năm qua, bao gồm cả các vấn đề tài chính và nợ, bất chấp thỏa thuận lưỡng đảng hồi tháng 6/2023 về việc đình chỉ giới hạn nợ đến tháng 1/2025”, Fitch cho biết trong một tuyên bố.
Fitch đưa ra quyết định hạ cấp sau khi các nhà lập pháp Mỹ đàm phán đến phút cuối cùng để đạt được thỏa thuận trần nợ vào đầu năm 2023, khiến Washington lần đầu tiên đối diện nguy cơ vỡ nợ. Ngoài ra, cuộc nổi loạn Điện Capitol ngày 6/1/2021 cũng là một yếu tố quan trọng dẫn đến quyết định này, theo CNN.
Nguồn thạo tin chia sẻ với CNN rằng, trong cuộc họp với các quan chức chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, đại diện của Fitch nhiều lần nhấn mạnh cuộc nổi loạn ngày 6/1 là một mối lo ngại đáng kể do nó liên quan tới chính quyền Mỹ. Tuy nhiên, cơ quan xếp hạng tín dụng này không đề cập tới cuộc nổi loạn trong báo cáo đầy đủ về việc hạ cấp.
Fitch Ratings Inc. vừa hạ xếp hạng tín nhiệm của chính phủ Mỹ từ mức cao nhất AAA xuống AA+. Ảnh minh họa: CNN
Được biết, nợ của Mỹ từ lâu đã được coi là nơi trú ẩn an toàn nhất nhưng quyết định hạ cấp của Fitch cho thấy nó đã mất đi một phần ánh hào quang. Việc hạ cấp có những tác động tiềm ẩn đối với mọi thứ, từ lãi suất thế chấp mà người Mỹ phải trả cho ngôi nhà của họ cho đến các hợp đồng được thực hiện trên toàn thế giới.
Động thái của Fitch có thể khiến các nhà đầu tư bán Trái phiếu Kho bạc Mỹ, dẫn đến sự gia tăng đột biến về lợi suất, vốn được coi là tài liệu tham khảo cho lãi suất đối với nhiều khoản vay.
Theo Reuters, Fitch là cơ quan xếp hạng lớn thứ hai sau Standard & Poor's tước xếp hạng AAA của Mỹ. Việc này vấp phải sự phản đối từ các quan chức chính quyền Tổng thống Biden, đồng thời khiến nhiều nhà đầu tư ngạc nhiên khi cuộc khủng hoảng trần nợ đã được giải quyết cách đây 2 tháng.
“Tôi hoàn toàn không đồng ý với quyết định của Fitch Ratings. Thay đổi do Fitch Ratings công bố hôm nay là tùy ý và dựa trên dữ liệu lỗi thời”, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho biết trong một tuyên bố.
Nhà Trắng cũng có quan điểm tương tự. Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nói rằng, “chúng tôi hoàn toàn không đồng ý với quyết định này” và trích dẫn những lo ngại tương tự về mô hình của Fitch.
Bà Karine Jean-Pierre chia sẻ thêm: “Việc hạ bậc xếp hạng của Mỹ vào thời điểm Tổng thống Biden đã mang lại sự phục hồi mạnh mẽ nhất so với bất cứ nền kinh tế lớn nào trên toàn cầu là bất chấp thực tế”.
XEM THÊM: Ba Lan dồn quân tới biên giới, cáo buộc Belarus vi phạm không phận
Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer lại đổ lỗi cho đảng Cộng hòa Hạ viện về việc hạ xếp hạng tín nhiệm. Trong khi đó, người phát ngôn của Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy không lập tức trả lời yêu cầu bình luận về quyết định hạ cấp của Fitch.
Trong một bài đăng trên Twitter, cựu Bộ trưởng Tài chính Larry Summers bày tỏ quan điểm rằng, quyết định của Fitch là “kỳ lạ và không phù hợp”, nhất là khi nền kinh tế Mỹ có vẻ mạnh hơn mức dự báo.
Theo CNN, một quan chức chính quyền hôm 1/8 đã từ chối suy đoán về việc liệu các cơ quan tín dụng lớn khác có làm theo sự dẫn dắt của Fitch hay không nhưng lưu ý Fitch là cơ quan duy nhất có quan điểm tiêu cực với Mỹ.
Đinh Kim (Theo Reuters, CNN)