Ngày 12/3 (theo giờ địa phương), chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo tất cả khách hàng tại Ngân hàng Silicon Valley (SVB) sẽ tiếp cận được tiền gửi của họ trong sáng 13/3 (giờ địa phương).
Quyết định mới nhất nhận sự đồng thuận tuyệt đối của ban lãnh đạo Tập đoàn Bảo hiểm tiền gửi liên bang (FIDC) và Cục Dự trữ liên bang (Fed), đồng thời đã xin ý kiến của Tổng thống Biden.
Ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB).
Động thái này sẽ không dẫn đến thiệt hại cho những người đóng thuế ở Mỹ và tất cả những người gửi tiền sẽ được thanh toán toàn bộ. Trước đó, chỉ những khách hàng có khoản tiền gửi dưới 250.000 USD mới có thể rút tiền nhờ được luật liên bang bảo vệ.
Sau khi cơ quan quản lý đóng cửa Silicon Valley Bank (SVB) và phong tỏa các khoản tiền gửi tại ngân hàng này vào ngày 10/3, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết bà đang nỗ lực để giải quyết tình hình một cách kịp thời, song cho biết chính phủ Mỹ vẫn chưa bàn về việc cứu trợ ngân hàng này.
"Tôi phải nói rõ là trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008, có những nhà đầu tư và chủ ngân hàng lớn đã được giải cứu, sau đó các cuộc cải tổ đã được thực hiện. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa sẽ lặp lại một lần nữa", bà Yellen nói.
Vụ sụp đổ của SVB có thể khiến các công ty khởi nghiệp không thể trả lương cho nhân viên vào những ngày tới. Các nhà đầu tư mạo hiểm có thể gặp khó khăn trong việc huy động vốn và lĩnh vực này có thể phải đối mặt với tình trạng bất ổn hơn.
Trong một diễn biến mới, Signature Bank, một ngân hàng chuyên cho các công ty tiền điện tử vay có trụ ở New York, cũng vừa bị cơ quan quản lý đóng cửa do lo ngại rủi ro hệ thống. Chính phủ Mỹ cho biết, người gửi tiền ở cả SVB và Signature Bank sẽ được tiếp cận khoản tiền gửi của họ trong sáng 12/3.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng cho biết họ đang đưa ra một chương trình cấp vốn mới nhằm bảo vệ các tổ chức bị ảnh hưởng do sự sụp đổ của SVB.
Mộc Miên (T/h)