(ĐSPL) - Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 5/12 đã công bố báo cáo bác bỏ yêu sách “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc đơn phương đưa ra tại Biển Đông.
Báo cáo dài 26 trang, được công bố ngày 5/12 do Cục Đại dương và Các vấn đề môi trường và khoa học quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ công bố đã chỉ ra điều phi lý trong yêu sách “đường 9 đoạn” (đường lưỡi bò) của Trung Quốc.
"Đường 9 đoạn" của Trung Quốc không hợp lý
Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho thấy “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc đưa ra nằm gần với đường bờ biển của các quốc gia tiếp giáp Biển Đông, trong đó chỉ cách bờ biển Việt Nam 50 hải lý và cách đảo Lý Sơn của Việt Nam 36 hải lý. Các đoạn 3,4,5 lần lượt cách Indonesia, Malaysia, Philippines 75, 24 và 35 hải lý.
|
Một tàu tuần tra của Trung Quốc trên Biển Đông. |
Báo cáo cũng chỉ ra nhiều điểm không hợp lý trong tấm bản đồ của Trung Quốc. Các đoạn ở tấm bản đồ năm 2009 đều gần bờ biển các nước láng giềng hơn trong tấm bản đồ năm 1947, tấm bản đồ được cho là lần đầu tiên có “đường lưỡi bò”. Báo cáo dẫn chứng ở đoạn thứ 2 nằm gần bờ biển Việt Nam hơn 45 hải lý so với đoạn gần nhất trên bản đồ năm 1947 trong khi đoạn 1 gần hơn 15 hải lý.
Với cách diễn giải “đường 9 đoạn” là các đường ranh giới quốc gia của Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng những đoạn mà Trung Quốc đưa ra đều không có cơ sở pháp lý phù hợp với luật biển.
Ngoài ra, ở các đoạn 2,3 và 8 trên bản đồ phi pháp năm 2009 của Trung Quốc không chỉ nằm khá gần bờ biển của các quốc gia khác mà tất cả hoặc một phần của những đoạn này đều nằm ngoài phạm vi 200 hải lý mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.
Video tham khảo:
Trung Quốc ra sách "lý giải" đường 9 đoạn phi lý của mình
Không có cơ sở pháp lý về lịch sử
Cuối cùng, nếu đường 9 đoạn định thể hiện khu vực mà Trung Quốc đòi hỏi cái gọi là “vùng nước lịch sử” hay “quyền lịch sử” thì những yêu sách này cũng không nằm trong mục “đòi hỏi lịch sử” được quy định trong điều 10 và 15 của UNCLOS.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, Trung Quốc không đáp ứng được các tiêu chí pháp lý đối với yêu sách về “vùng nước lịch sử”, bao gồm thực thi chủ quyền một cách công khai, được biết đến rộng rãi, liên tục và hiệu quả tại Biển Đông cũng như phải được các nước khác công nhận.
Như vậy, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đi đến kết luận rằng yêu sách hiện nay của Trung Quốc về ":đường 9 đoạn" là phi pháp, không phù hợp với luật quốc tế hiện hành..
Năm 2009, Trung Quốc đã gửi lên Liên Hiệp Quốc tấm bản đồ “đường 9 đoạn”, tuyên bố chủ quyền phi pháp ở biển Đông. Theo yêu sách này, Trung Quốc chiếm khoảng 2 triệu km2 diện tích biển và 13 km2 diện tích đất trên biển Đông, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và bãi cạn Scaborough.