Trong nhiều thập kỷ qua, ngành công nghiệp châu Âu phụ thuộc vào dầu và khí đốt tự nhiên với chi phí thấp của Nga để hoạt động. Sau khi căng thẳng leo thang tại Ukraine, chi phí năng lượng công nghiệp tăng cao đã cản trở khả năng cạnh tranh của các nhà sản xuất trên toàn cầu. Các nhà máy đang gấp rút tìm giải pháp thay thế năng lượng Nga trước mối đe dọa Moscow có thể đột ngột cắt khí đốt.
Giá phân bón trên thế giới leo thang sau căng thẳng Nga - Ukraine. Ảnh: Reuters
8 tháng gần đây, các nhà sản xuất hóa chất, phân bón, thép và hàng hóa sử dụng nhiều năng lượng khác của châu Âu đã phải chịu rất nhiều áp lực. Một số đã phải đóng cửa bởi sự cạnh tranh từ các nhà máy ở Mỹ, Trung Đông và các khu vực khác, nơi chi phí năng lượng thấp hơn nhiều so với châu Âu. Giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu hiện cao hơn gần ba lần so với ở Mỹ.
Việc loại bỏ nguồn cung của Nga có nguy cơ đặt ngành công nghiệp châu Âu vào thế bất lợi trong cạnh tranh lâu dài, trừ khi các nhà sản xuất có thể triển khai các công nghệ giúp giảm mạnh mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch.
Ở châu Âu, khí đốt tự nhiên ảnh hưởng lớn đến giá điện nên giá nguyên liệu này tăng đồng nghĩa các nhà máy cũng bị ảnh hưởng kép. Amoniac là sản phẩm nhạy cảm nhất, chiếm khoảng 70% lượng khí đốt mà châu Âu sử dụng làm nguyên liệu. Hầu hết lượng amoniac được sử dụng để làm phân bón.
Đứng trước tình trạng thiếu phân bón trầm trọng, Mỹ đã bí mật thúc giục các công ty nông nghiệp và vận tải biển của nước này tăng cường mua phân bón từ Nga.
Nỗ lực này cho thấy những thách thức mà Washington và các đồng minh đang phải đối mặt khi muốn gây sức ép lên Moscow, trong khi cũng muốn hạn chế tác hại lên nền kinh tế toàn cầu vốn phụ thuộc nhiều vào khí tự nhiên, dầu mỏ, phân bón và ngũ cốc của Nga.
Mỹ và EU đã áp dụng biện pháp miễn trừ để cho phép mua bán phân bón, khi Nga là một nhà cung cấp lớn của thế giới. Tuy nhiên nhiều hãng vận tải biển, ngân hàng và bảo hiểm không muốn tham gia hoạt động này vì sợ có thể vi phạm trừng phạt.
Giới chức Mỹ và châu Âu cáo buộc Nga dùng lương thực làm vũ khí, ngăn chặn Ukraine xuất khẩu. Tuy nhiên, Nga bác bỏ, đồng thời cho rằng tình trạng gián đoạn là do các lệnh trừng phạt mà Mỹ và đồng minh áp đặt.
Mộc Miên (Theo Bloomberg)