Tiền Phong đưa tin, theo ông Nguyễn Xuân Khang (Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội) mục đích của kỳ thi tốt nghiệp THPT không nên kèm thêm tuyển sinh ĐH, CĐ. Vì đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ cần phân hoá cao còn đề thi tốt nghiệp THPT chủ yếu xác định chuẩn đầu ra. Vì vậy, kết hợp 2 mục tiêu trong 1 kỳ thi sẽ bất cập. Kỳ thi tốt nghiệp THPT ít áp lực, kết quả tốt nghiệp thường đạt trên 98%.
Nếu dùng kết quả kỳ thi đó để tuyển sinh ĐH, CĐ áp lực sẽ tăng lên rất nhiều. Các cơ sở giáo dục ĐH, CĐ đã được tự chủ tuyển sinh, có nhiều cách tuyển phong phú và linh hoạt, không cần thiết dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh.
“Đề nghị bỏ mục tiêu cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong việc tuyển sinh theo tinh thần tự chủ. Cần trả lại tên cho kỳ thi tốt nghiệp THPT”, ông Khang nhấn mạnh.
Thí sinh làm thủ tục kỳ thi tốt nghiệp THPT - Nguồn: Tiền Phong.
Ngoài ra, PGS.TS Đỗ Văn Dũng (nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) chia sẻ có nhiều môn bắt buộc khiến kỳ thi tốt nghiệp THPT kéo dài.
Lâu nay ở Việt Nam (và cả các nước), kỳ thi tốt nghiệp THPT thường để kiểm tra kiến thức học sinh lớp 12 trong ba lĩnh vực chính: toán, ngữ văn và ngoại ngữ. Sở dĩ người ta chọn ba mảng kiến thức này vì nó là nền tảng để các em học tiếp các bậc học sau THPT.
Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến đưa thêm môn lịch sử vào các môn bắt buộc có thể vì muốn các em không lơ là với môn học này như thời gian vừa qua. Tuy nhiên, nếu thực hiện việc này vào năm 2025 sẽ gây khó cho học sinh và các trường vì môn lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới đã giảm số tiết từ 70 tiết/năm xuống 52 tiết/năm.
Hơn nữa, khi thi nhiều môn bắt buộc sẽ khiến kỳ thi tốt nghiệp THPT kéo dài, làm quá tải cho học sinh nhưng không mang lại hiệu quả vì việc tăng cường ý thức học môn sử phụ thuộc vào cách dạy, chứ không cứ ép học sinh học để thi là được, theo Báo Tin Tức.
Bên cạnh đó, TS Lê Đông Phương (Viện khoa học Giáo dục Việt Nam) còn nhìn nhận vấn đề khó nhất của kỳ thi tốt nghiệp THPT từ 2025 của học sinh là chọn tổ hợp môn nào. Hiện đã sắp xong một năm học nhưng các em vẫn chưa biết tương lai sẽ ra sao.
“Điều đáng ngại là học sinh định hướng nhầm. Nếu trong 3 năm học THPT, một số em chọn tổ hợp môn không có trong yêu cầu tuyển sinh của ngành muốn học ĐH. Khi đó, vấn đề sẽ giải quyết thế nào?”, TS Lê Đông Phương đặt câu hỏi.
Theo ông, triết lý tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ khoanh ở một số môn như dự thảo đưa ra là chưa hợp lý. Vì sẽ vẫn xảy ra tình trạng ôn thi, luyện thi với mong muốn đạt được kết quả cao nhất để xét tuyển vào ĐH.
Phương Linh (T/h)