Hệ thống phanh (hãm) là một trong những bộ phận quan trọng nhất của ô tô, giúp đảm bảo an toàn cho người điều khiển và hành khách khi tham gia giao thông. Việc ô tô không có đủ hệ thống hãm hoặc hệ thống này bị hỏng có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho chính xe và các phương tiện khác trên đường.
Căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 53 Luật giao thông đường bộ năm 2008 như sau:
“Điều 53. Điều kiện tham gia giao thông của xe cơ giới
1. Xe ô tô đúng kiểu loại được phép tham gia giao thông phải bảo đảm các quy định về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường sau đây:
a) Có đủ hệ thống hãm có hiệu lực;”
Như vậy theo quy định trên thì một trong những điều kiện khi tham gia giao thông của xe ô tô là phải có đủ hệ thống hãm có hiệu lực.
Người điều khiển xe ô tô mà không có đủ hệ thống hãm bị áp dụng mức xử phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng...Ảnh minh họa
Căn cứ theo quy định tại khoản 4, khoản 6 và khoản 7 Điều 16 Nghị định 100/2019/NĐ-CP như sau:
“Điều 16. Xử phạt người điều khiển xe ô tô (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông
4. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
đ) Điều khiển xe không đủ hệ thống hãm hoặc có đủ hệ thống hãm nhưng không có tác dụng, không đúng tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật.
6. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
a) Thực hiện hành vi quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản 3; Khoản 4; Điểm e Khoản 5 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng;
7. Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:
a) Thực hiện hành vi quy định tại khoản 1; khoản 2; điểm b, điểm c, điểm d, điểm đ khoản 3; điểm d, điểm đ khoản 4 Điều này buộc phải lắp đầy đủ thiết bị hoặc thay thế thiết bị đủ tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật hoặc khôi phục lại tính năng kỹ thuật của thiết bị theo quy định;”
Việc kiểm tra và bảo dưỡng hệ thống hãm của ô tô cần được thực hiện thường xuyên để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông. Người điều khiển phương tiện cần nắm rõ quy định này và tuân thủ để tránh bị xử phạt, đồng thời góp phần giảm thiểu nguy cơ xảy ra tai nạn trên đường.