(ĐSPL) - Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ dự thảo sửa đổi một số điều của Luật Quản lý thuế để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp diễn ra vào tháng Mười tới.
Theo đề xuất của bộ này, từ ngày 1/1/2016, người nộp thuế phải khai, nộp thuế và sử dụng hóa đơn điện tử, hóa đơn phải có gắn mã của cơ quan thuế. Sử dụng hóa đơn điện tử, hóa đơn có gắn mã là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, đề xuất này đang gặp ý kiến trái chiều bởi với 1,6 triệu hộ kinh doanh nhỏ lẻ, như người bán tạp hóa ở chợ dân sinh, người bán hàng quần áo trên các con phố hiện nay, thì việc thực hiện hóa đơn điện tử liệu có khả thi hay đề xuất này lại rơi vào tình cảnh “sống dở, chết dở” vì rất khó để có thể áp dụng?
Hộ kinh doanh nhỏ lẻ "kêu trời"
Theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Quản lý thuế, bộ Tài chính đề xuất quy định mới áp dụng từ ngày 1/1/2016: “Người nộp thuế phải thực hiện khai, nộp thuế điện tử; sử dụng hóa đơn điện tử hoặc hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế trong giao dịch bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và định kỳ có trách nhiệm chuyển dữ liệu hóa đơn về cơ quan thuế”. Như vậy, theo đề xuất này thì tất cả những cá nhân, tổ chức, đơn vị kinh doanh sẽ phải bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử, điều này cũng đồng nghĩa với hơn 1,6 triệu hộ kinh doanh cá thể (số liệu của bộ Công Thương) như người bán tạp hóa, người bán quần áo, mỹ phẩm, kinh doanh nhỏ lẻ trong chợ hoặc trên đường... cũng phải sử dụng hóa đơn điện tử. Và cũng đồng nghĩa với việc những người kinh doanh ở địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo cũng phải sử dụng hóa đơn điện tử.
Theo khảo sát của chúng tôi tại một số điểm kinh doanh nhỏ lẻ trên địa bàn TP. Hà Nội, các hộ kinh doanh này đều “kêu trời” nếu quy định mới được áp dụng. Anh Nguyễn Thành Luân, một hộ buôn bán trong chợ Dịch Vọng (Hà Nội) cho biết: “Những hộ kinh doanh nhỏ lẻ như chúng tôi tiền đâu mua máy để in hóa đơn. Rồi lãng phí thời gian, điện, máy, giấy tờ... Bên cạnh đó, nếu mua một quả dừa mà cũng cần hóa đơn thì vừa phiền nhiễu cho khách hàng và vừa làm khó cho chúng tôi quá. Còn nếu bắt buộc phải áp dụng, tôi xin mạnh dạn đề xuất việc sử dụng hóa đơn điện tử cho tất cả các hộ kinh doanh nhỏ lẻ thì cần có chính sách hỗ trợ về thiết bị, phần mềm và tập huấn sử dụng ban đầu để người dân hiểu rõ và áp dụng”.
Anh Luân cũng như 1,6 triệu hộ kinh doanh nhỏ lẻ khác vẫn còn nhiều băn khoăn về đề xuất của bộ Tài chính. |
Còn chị Trần Thị Thúy, chủ một kiot tại chợ hoa Quảng Bá, hơi ngỡ ngàng với đề xuất mới này. “Nếu việc áp dụng thuế điện tử mà chống được gian lận thuế thì tôi ủng hộ nhưng những người đưa ra chính sách có để ý đến việc người mua có yêu cầu hóa đơn đâu mà người bán cung cấp? Nếu một người mua hoa trong kiot của tôi muốn có hóa đơn thì tôi sẵn sàng cung cấp. Nhưng mua một bó hoa mà cũng phải có hóa đơn điện tử thì hơi bất cập. Nếu bắt buộc thì chúng tôi cũng sẽ làm nhưng nếu thế thì có gượng ép quá không?”, chị Thúy bày tỏ quan điểm.
Cần lộ trình hay “ép” thực hiện luôn?
Không phủ nhận những ưu việt mà hóa đơn điện tử mang lại cho nền kinh tế và việc quản lý thuế như tiết kiệm chi phí; chủ động phát hành, quản lý hoá đơn, thuận lợi trong công tác quản lý của doanh nghiệp; rút ngắn thời gian phát hành hoá đơn và thu cước... Tuy nhiên, không khó để nhận ra rằng hóa đơn điện tử chỉ phù hợp với các doanh nghiệp, tổ chức, nhất là các doanh nghiệp có quy mô phát hành chứng từ, hoá đơn hàng năm với số lượng lớn và thường xuyên như viễn thông, điện, nước, xăng dầu, ngân hàng, tín dụng, truyền hình, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng hóa... còn với các hộ kinh doanh bán lẻ thì rất khó khả thi.
Trên thực tế, theo khảo sát của PV báo ĐS&PL, khá nhiều người vẫn theo thói quen mua sắm không cần hóa đơn, họ chỉ cần bỏ tiền và sở hữu sản phẩm cần mua, chứ không yêu cầu hóa đơn. Việc tiêu dùng, mua hàng cần hóa đơn chưa phải là một thói quen của đại đa số người Việt. Ngay cả với những người tiêu dùng tại các thành phố lớn chứ chưa nói đến một bộ phận người dân tại các vùng nông thôn, hẻo lánh...
Trao đổi với báo giới, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch hiệp hội Tư vấn thuế Việt Nam cho rằng, việc bắt buộc người nộp thuế phải sử dụng hóa đơn điện tử từ ngày 1/1/2016 là điều... không tưởng. Bà Cúc nói: “Người nộp thuế bao gồm cả 1,6 triệu hộ kinh doanh cá thể như người bán tạp hóa ở chợ dân sinh, người bán hàng quần áo trên các con phố... Làm sao những hộ cá thể đó có thể sử dụng hóa đơn điện tử được? Do đó, Nhà nước chỉ khuyến khích người nộp thuế sử dụng hóa đơn điện tử chứ không thể bắt buộc họ được”.
Bên cạnh đó, một đại diện Tổng cục Thuế cũng thừa nhận nếu yêu cầu DN sử dụng hóa đơn điện tử từ ngày 1/1/2016 là rất khó khi điều kiện hạ tầng thông tin chưa sẵn sàng.
Thiết nghĩ, một chính sách mới phù hợp hay không cần phải phù hợp với điều kiện thực tế chứ không hẳn cứ “đùng” một cái là thực hiện được ngay.
PGS.TS Đặng Ngọc Đức, viện Ngân hàng tài chính: Có thể gây áp lực cho các hộ kinh doanh vừa và nhỏ “Việc thực thi hóa đơn điện tử là xu thế tất yếu của nền kinh tế thị trường. Việc áp dụng hóa đơn điện tử là cần thiết trong xu thế cải cách thủ tục ngày nay. Việc áp dụng từ ngày 1/1/2016 có thể là “hơi gấp” và cũng phần nào gây khó khăn cho các hộ kinh doanh nhỏ lẻ vốn đã quen với việc mua bán bằng hóa đơn giấy. Đặc biệt nếu trong điều luật quy định những người bán hàng rong mà cũng đòi hỏi yêu cầu hóa đơn điện tử thì... khó khả thi. Nếu áp dụng ngay từ 1/1/2016 sẽ có thể gây khó khăn cho hộ kinh doanh. Do đó, nếu đã quyết tâm làm, cần triển khai đồng bộ, quyết liệt tất cả các hoạt động hỗ trợ cho hộ kinh doanh, nhưng đến cận thời điểm 1/1/2016 thì phải có sự xem xét, đánh giá tình hình cụ thể”. Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành: Thực thi hóa đơn điện tử là quá trình tất yếu “Việc thực thi hóa đơn điện tử là quá trình tất yếu của nền kinh tế thị trường. Việc kê khai theo hóa đơn điện tử trước mắt sẽ giải quyết vấn đề thời gian, tiêu cực, minh bạch hóa việc đóng thuế. Cá nhân tôi cho rằng, đó là xu thế tất yếu. Bất kỳ chính sách nào mới khi triển khai đều vấp phải những ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, tôi cho rằng sớm hay muộn nếu muốn minh bạch hóa thu thuế, giảm bớt thời gian chờ đợi thì phải thực thi hóa đơn điện tử. Với ý kiến nêu ra, việc áp dụng thời điểm 1/1/2016 là máy móc, gấp gáp và ít khả thi, tôi cho rằng những cái mới bao giờ cũng khó triển khai thời gian ban đầu. Người kinh doanh hãy nhớ rằng với việc nộp thuế qua hóa đơn giấy bao giờ cũng mất thời gian, rồi còn nhiều nhiêu khê, thiếu minh bạch, khó kiểm soát. Nếu thực hiện loại hóa đơn điện tử thì sẽ rút ngắn vấn đề này. Người kinh doanh phải có tư tưởng sớm hội nhập, đừng vì những thay đổi mang tính chất công nghệ mà cho đó là sự bất cập, khó thực hiện. Tôi cho rằng, đây là xu thế tất yếu và cá nhân tôi đồng thuận việc triển khai này”. Bà Nguyễn Thị Việt Linh - Kế toán trưởng doanh nghiệp da giày: Cần thời gian để phù hợp lộ trình Nếu từ ngày 1/1/2016, Luật có hiệu lực thì tôi cho rằng, tất cả người nộp thuế phải thực hiện mở tài khoản tại ngân hàng để tham gia nộp thuế điện tử là không thể. Nếu muốn thế, cơ quan thuế cũng cần phải có thời gian để doanh nghiệp chuyển đổi sử dụng hóa đơn điện tử và hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế cho toàn bộ người nộp thuế, để thực thi điều đó. Bên cạnh đó, thời gian tuyên truyền hướng dẫn người nộp thuế khai, nộp thuế điện tử theo tôi cần phải có thời gian hợp lý. Hơn nữa, ngay trong dự án Luật này còn có mâu thuẫn, không thống nhất khi quy định phía trên thì bắt buộc người nộp thuế phải sử dụng hóa đơn điện tử, còn ở dưới thì quy định Chính phủ có trách nhiệm xây dựng chính sách khuyến khích DN sử dụng hóa đơn điện tử. Do vậy nếu có làm việc này thì cũng không khả thi. |
(*) Vì một số lý do xin được phép không nêu tên doanh nghiệp
Hoàng Hậu – Lại Cường
[mecloud]vpwGvV98L1[/mecloud]