Ngày 8/3, Bloomberg dẫn lời một số quan chức ngoại giao giấu tên cho biết, Đức, Hà Lan và một số quốc gia Tây Âu muốn Ủy ban châu Âu (EC) đánh giá khả năng sẵn sàng của Ukraine về việc được trao tư cách thành viên Liên minh châu Âu (EU), trước khi xem xét đơn gia nhập của Kiev.
Tổng thống Ukraine phát biểu trước EC hôm 1/3 thông qua hình thức trực tuyến. Ảnh: Shutterstock.
Các quốc gia phương Tây này "muốn tập trung vào việc hỗ trợ thiết thực cho Ukraine và kết thúc xung đột hơn là bắt tay vào một quá trình có thể mất ít nhất một thập kỷ", Bloomberg đưa tin.
Ukraine nộp đơn xin gia nhập EU vào tuần trước, khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky yêu cầu được "gia nhập ngay lập tức thông qua một thủ tục đặc biệt".
Yêu cầu của ông Zelensky được các nhà lãnh đạo của Bulgaria, Cộng hòa Séc, Estonia, Latvia, Ba Lan... ủng hộ. Lãnh đạo các nước này đã viết một bức thư ngỏ gửi tới các quan chức EU để hiện thực hóa việc cấp tư cách thành viên EU cho Ukraine và bắt đầu quá trình đàm phán công nhận Ukraine là thành viên của EU.
Tuy nhiên, theo báo RT (Nga), "thủ tục đặc biệt" mà Tổng thống Ukraine nhắc đến không tồn tại. Và thậm chí, việc được cấp tư cách thành viên EU cũng không phải chuyện dễ dàng khi phải trải qua một cuộc điều tra của EC và cần tới sự đồng thuận của toàn bộ 27 thành viên của EU.
Vậy vì sao Tổng thống Zelensky lại nôn nóng gia nhập EU như vậy? Theo giới chuyên gia, trở thành thành viên EU có ý nghĩa quan trọng đối với các cuộc đàm phán trong tương lai giữa Ukraine và Nga nhằm chấm dứt xung đột. Tư cách thành viên EU có thể giúp Ukraine về mặt quân sự vì các nước EU bị ràng buộc bằng hiệp ước phòng thủ chung, yêu cầu các thành viên khác giúp đỡ nếu một nước "đối mặt với hành động tấn công có vũ trang trên lãnh thổ của mình".
Nếu Ukraine là thành viên EU, Nga trên lý thuyết có thể phải đối mặt với lực lượng từ Pháp, Đức và cùng các nước khác trong khối. Cho đến nay, Ukraine trên giấy tờ vẫn là một quốc gia "trung lập", nằm ngoài cả EU và NATO.
Mặc dù vậy, theo giới quan sát, Ukraine sẽ khó có được tư cách thành viên EU trong thời gian ngắn. Gia nhập EU là một quá trình phức tạp, khó khăn và tốn kém, kéo dài trong nhiều năm, thậm chí hàng thập kỷ và đòi hỏi một cam kết đặc biệt từ quốc gia ứng viên. Họ được yêu cầu thực hiện một danh mục dài các cải cách theo tiêu chuẩn EU.
Quan trọng nhất, toàn bộ quá trình phụ thuộc vào ý chí chính trị của 27 quốc gia thành viên. Ngay cả khi Ủy ban châu Âu là bên dẫn dắt và đặt nền móng cho các cuộc đàm phán, việc tất cả các thành viên có bật đèn xanh để ứng viên gia nhập không vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Mộc Miên (Theo Bloomberg)