Tạp chí Tri Thức đưa tin, Sở GD&ĐT TP.Hải Phòng vừa có văn bản tăng cường quản lý việc sử dụng điện thoại di động trong nhà trường. Theo Sở, hiện nay, việc sử dụng điện thoại di động, các thiết bị thu, phát sóng trong cơ sở giáo dục trên địa bàn còn nhiều vấn đề bất cập, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác dạy và học.
Để chấn chỉnh và khắc phục tình trạng này, Sở GD&ĐT TP.Hải Phòng đề nghị các đơn vị căn cứ điều kiện thực tế hướng dẫn cụ thể việc quản lý điện thoại di động, các thiết bị thu, phát sóng của học sinh trước khi vào tiết học đầu tiên (quản lý theo từng lớp học) và gửi lại điện thoại di động, các thiết bị thu, phát sóng cho học sinh sau khi kết thúc tiết học cuối trên lớp, trường.
Các học sinh chỉ được phép mang điện thoại di động, các thiết bị thu, phát sóng vào lớp học để sử dụng trong các giờ học cần đến việc sử dụng điện thoại di động, các thiết bị thu, phát sóng và được giáo viên cho phép.
Các nhà trường đôn đốc, kiểm tra, giám sát học sinh thực hiện nghiêm túc quy định tại Thông tư số 32 của Bộ GD&ĐT, "học sinh không được sử dụng điện thoại di động và các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép".
Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT TP.Hải Phòng cũng yêu cầu các trường tuyên truyền để cha mẹ học sinh đồng hành cùng nhà trường, giáo viên trong công tác chăm lo, động viên, nhắc nhở, quản lý học sinh sử dụng điện thoại di động, các thiết bị thu, phát sóng đúng mục đích, quy định.
Hiệu trưởng các nhà trường, giám đốc các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên chịu trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm.
Sở GD&ĐT TP.Hải Phòng vừa có văn bản tăng cường quản lý việc sử dụng điện thoại di động trong nhà trường. Ảnh minh họa
Sở GD&ĐT Hà Nội trước đó cũng cho hay, việc quản lý điện thoại và các thiết bị thu, phát sóng của học sinh đang được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 32 của Bộ GD&ĐT.
Tuy nhiên, thời gian qua, Sở nhận thấy việc thực hiện quy định này còn nhiều bất cập, gây ảnh hưởng đến hiệu quả dạy và học. Để chấn chỉnh và khắc phục, ngoài thực hiện nghiêm túc quy định của bộ, Sở khuyến cáo các trường quản lý điện thoại của học sinh từng lớp trước tiết học đầu tiên và trả lại các em sau giờ tan học.
Trong các tiết cần sử dụng điện thoại hoặc các thiết bị thu, phát sóng và được giáo viên cho phép, học sinh được phép mang vào lớp để dùng. Sở cũng đề nghị phụ huynh đồng hành cùng nhà trường, nhắc nhở con em.
Sở GD&ĐT Tuyên Quang cũng đã có văn bản yêu cầu ngoài việc thực hiện quy định của Bộ, các cơ sở giáo dục xây dựng nội quy, quy chế của trường, lớp học, quy định cụ thể việc quản lý, sử dụng điện thoại của học sinh trong giờ học và trong khuôn viên nhà trường đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả.
Tổ chức quản lý điện thoại di động và các thiết bị thu, phát sóng của học sinh trước khi vào tiết học đầu tiên của từng buổi học và gửi lại cho học sinh sau khi kết thúc buổi học. Trong các tiết học cần sử dụng điện thoại di động, các thiết bị thu, phát sóng thì học sinh được phép sử dụng theo hướng dẫn của giáo viên.
Tương tự, hồi giữa tháng 10, Sở GD&ĐT cùng Công đoàn ngành Giáo dục Nghệ An đã phát động phong trào "Trường học nói không với điện thoại trong buổi học", theo VnExpress.
Theo đó, trước khi vào tiết đầu, các trường yêu cầu học sinh tắt nguồn điện thoại hoặc chuyển sang chế độ im lặng, cất vào tủ lớp. Các em được nhận lại sau khi kết thúc buổi học.
Nhà trường lập đường dây điện thoại để phụ huynh và học sinh liên lạc, tổ chức các hoạt động thể chất, câu lạc bộ khoa học, tiếng Anh, văn hóa... đáp ứng nhu cầu của học sinh.
Giáo viên giao bài tập, kiểm tra trực tiếp hoặc thông qua phụ huynh, hạn chế tối đa trao đổi qua các nhóm online, nhất là trong giờ học.
Ngành giáo dục Nghệ An kỳ vọng việc siết sử dụng điện thoại trong trường sẽ nâng cao chất lượng giáo dục, tạo thói quen học tập trung, tăng cường giao lưu trực tiếp, giảm tình trạng nghiện game, mạng xã hội của học sinh.
Tại Hà Tĩnh, hàng loạt trường học phát động học sinh cam kết không mang điện thoại đến lớp, như THPT Phúc Trạch, THPT Cẩm Bình, THPT Kỳ Anh... Việc liên hệ của các học sinh với bố mẹ sẽ thông qua thầy cô hoặc cán sự lớp.
Trong khi đó, ở TP.HCM, Sở GD&ĐT không đưa ra khuyến cáo chung nhưng nhiều trường đã quản lý chặt hơn việc dùng điện thoại của học sinh như THPT Nguyễn Thượng Hiền, THPT Trường Chinh, THPT Thạnh Lộc, THCS Nguyễn Thái Bình, THCS Lê Văn Tám... Ở các trường này, học sinh không được dùng điện thoại trong khuôn viên trường, kể cả giờ ra chơi.
Thầy Lương Văn Định, Hiệu trưởng trường THPT Thạnh Lộc, TP HCM, cho biết lúc đầu nhiều học sinh không đồng tình, tỏ ra khó chịu. Sau hai tháng, các em dần quen nề nếp, trò chuyện, vui chơi thay vì cắm cúi với chiếc điện thoại.
Các trường cho hay đều ghi nhận sự chuyển biến tích cực của phía học sinh sau yêu cầu không dùng điện thoại suốt buổi học. Các em tập trung trong giờ học hơn, xuống sân chơi và giao lưu nhiều hơn, trong khi trước đây hầu hết "dán mắt" vào màn hình.