Theo báo Dân Trí, sáng 4/3, Thượng tá Nguyễn Danh Bằng, Trưởng Công an thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk), xác nhận đơn vị đã tiếp nhận trình báo của một người phụ nữ trên địa bàn, phản ánh việc bị tai nạn rơi thang máy khi đi mua hàng; Cơ quan công an đang trong quá trình xác minh.
Cụ thể, chị Lê Thị Diễm Quỳnh (31 tuổi, trú tại xã Chư Kbô, huyện Krông Búk, Đắk Lắk) phản ánh, ngày 14/7/2023, chị cùng chồng đến cửa hàng C. (tại phường An Bình, thị xã Buôn Hồ) để mua hàng.
Tại đây, chị được nhân viên cửa hàng tên Trương Thị M.T. (25 tuổi) hướng dẫn vào thang máy di chuyển lên tầng 2 xem hàng. Khi thang máy đang di chuyển thì bất ngờ rơi tự do với lực rất mạnh khiến chị Quỳnh cùng nữ nhân viên đều bị thương, phải nhập viện cấp cứu.
Tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, chị Quỳnh được chẩn đoán liệt hai chân, phải mổ cấp cứu. Hồ sơ bệnh án của bệnh viện thể hiện rõ, chị Quỳnh bị liệt, mất cảm giác hai chân từ đầu gối trở xuống, gãy xẹp thân sống L1, nẹp vít đốt sống.
Người thân chăm sóc cho chị Quỳnh sau sự cố rơi thang máy. Ảnh: Pháp luật TP.HCM
Quá trình thăm khám, bác sĩ phát hiện chị Quỳnh đang mang thai hơn 6 tuần tuổi. Tuy nhiên, do chị Quỳnh bị thương nặng, rơi từ độ cao xuống đất, dùng nhiều thuốc kháng sinh, thai nhi bị ảnh hưởng nhiều nên chị phải bỏ thai.
Chị Quỳnh cho biết, sau khi bị nạn, gia đình chị tập trung lo chạy chữa bệnh nên chưa nghĩ đến việc sẽ phát đơn thư đòi quyền lợi. Ngoài ra, phía cửa hàng C. cũng trao đổi mong xử lý tình cảm nên gia đình chị cũng muốn được chữa trị bệnh để sớm hồi phục.
Sau đó, phía cửa hàng C. hứa hẹn sẽ lo chi phí điều trị và đưa cho gia đình chị Quỳnh 88 triệu đồng để lo chạy chữa cho chị.
Cũng theo chị Quỳnh, qua nói chuyện, nhận thấy phía cửa hàng không thực hiện như những điều đã hứa hẹn, cam kết, nên gia đình chị nhờ pháp luật vào cuộc để đòi quyền lợi, bởi tai nạn đã khiến chị bị liệt và mất con là quá nặng nề.
"Tôi đã suy sụp, sốc khi nghe bác sĩ nói mình sẽ bị liệt và phải bỏ đi đứa con đang mang trong bụng. Tôi biết vụ tai nạn là điều không ai mong muốn nhưng phía cửa hàng phải có trách nhiệm như những gì họ từng nói", chị Quỳnh nêu quan điểm.
Cũng theo chị Quỳnh, gia đình chị đã gửi đơn đến Viện kiểm sát nhân dân thị xã Buôn Hồ, đề nghị trưng cầu giám định mức độ tổn hại sức khỏe để làm căn cứ trong vụ việc.
Về phía cửa hàng C. từ chối trả lời và cho biết đã ủy quyền cho luật sư đại diện xử lý vụ việc.
Nguồn tin cũng cho hay, nhân viên cửa hàng C. là chị T. thừa nhận, ngày xảy ra vụ việc, chị vừa vào làm được 4 ngày. Chị không được chủ cửa hàng hướng dẫn quy định nào liên quan đến thang máy và chị thấy các nhân viên khác đều dẫn khách đi thang máy để lên tầng xem hàng nên chị cũng dẫn theo.
"Tôi bị thương ở chân, quá trình điều trị cũng thuyên giảm dần. Phía cửa hàng bồi thường cho tôi khoảng 20 triệu đồng, tôi cũng đã nghỉ làm. Nhưng nếu chị Quỳnh có đơn ra tòa, tôi sẵn sàng ra tòa làm chứng về sự thật của vụ việc", nữ nhân viên khẳng định.
Liên quan đến vụ việc, chia sẻ trên báo Pháp luật TP.HCM, Luật sư Trần Viết Hà, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, về mặt hình sự, cần chứng minh lỗi của các bên khi xảy ra sự cố. Về mặt dân sự, nếu có sự việc xảy ra tại cửa hàng thì chủ cửa hàng có trách nhiệm bồi thường.
Các khoản phải bồi thường cho người bị nạn gồm: Thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút từ thời điểm xảy ra vụ việc về sau; thu nhập của người chăm sóc người bệnh; chi phí chữa trị có hóa đơn kèm theo và bồi thường tổn thất về mặt tinh thần.
Thục Hiền (T/h)