Tạp chí Tri thức trực tuyến đưa tin, chiều 10/7, Đội Cảnh sát hình sự Công an TP Huế (Thừa Thiên - Huế) cho biết đơn vị vừa nhận được trình báo của bà P.T.H.P (58 tuổi, trú TP Huế) về việc bị kẻ xấu lừa số tiền 1,3 tỷ đồng.
Một phụ nữ bị lừa 1,3 tỷ đồng. Ảnh minh hoạ
Theo đó, vào trưa 7/7, bà P. nhận được điện thoại từ các số 0816391xxx, 0899720xxx, 0702179xxx của một số người tự xưng là nhân viên ngân hàng, cán bộ công an thuộc Bộ Công an.
Những người này yêu cầu bà P. cung cấp thông tin cá nhân, số tiền đang gửi tại các ngân hàng cho chúng. Sau khi người phụ nữ làm theo yêu cầu, bọn chúng thông báo việc bà P. có liên quan đến vụ án ma túy và rửa tiền, đồng thời đe dọa sẽ thi hành lệnh bắt khẩn cấp đối với bà này.
Các đối tượng yêu cầu bà P. không được để lộ thông tin với người nhà và yêu cầu bà P. chuyển toàn bộ số tiền có để các đối tượng quản lý tránh việc tẩu tán.
Do hoang mang và tin lời các đối tượng, bà P. đã ra ngân hàng để rút tiền từ sổ tiết kiệm chuyển vào các tài khoản mà các đối tượng cung cấp.
Cụ thể, bà P. đã 9 lần chuyển vào 3 tài khoản ngân hàng khác nhau tổng số tiền là 1,3 tỷ đồng cho các đối tượng.
Sau khi chuyển tiền xong, các đối tượng gọi điện yêu cầu bà P. ở yên trong phòng, không được nói cho ai biết sự việc. Tuy nhiên, bà P. phát hiện ra mình bị lừa đảo chiếm đoạt số tiền trên nên đến cơ quan công an trình báo.
Trước đó, theo báo Công an TP.HCM, một người phụ nữ cũng bị mất gần 1,3 tỷ đồng sau khi nghe cuộc điện thoại của kẻ tự xưng là công an xảy ra vào tháng 4/2022. Cụ thể, bà P.T.T. (55 tuổi, ở quận 10, TPHCM) nhận được cuộc gọi số lạ của một người đàn ông tự xưng là Nguyễn Văn Dũng, công tác tại Công an TP.Hà Nội.
Người đàn ông tên Dũng thông báo việc bà T. liên quan đến một đường dây ma tuý. Người này nói bà đang bị điều tra và công an sẽ niêm phong tài khoản của bà. Đồng thời, yêu cầu bà chuyển 1,3 tỷ đồng vào số tài khoản chỉ định mang tên Đào Xuân Sang. Do lo sợ, bà T. đã đến phòng giao dịch một ngân hàng ở quận 10 để chuyển gần 1,3 tỷ đồng vào tài khoản tên Đào Xuân Sang và bị chiếm đoạt.
Theo lực lượng công an, mặc dù đã có rất nhiều cảnh báo về thủ đoạn giả mạo công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng vẫn có người sập bẫy. Đa phần nạn nhân là người cao tuổi, ít cập nhật thông tin. Sau khi bị lừa, nhiều người sợ ảnh hưởng đến uy tín, danh dự nên không trình báo, gây khó khăn cho công tác điều tra.
Lực lượng công an khuyến cáo người dân cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về các thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của kẻ xấu. Khi cần làm việc với người dân, cơ quan công an luôn gửi trực tiếp giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an địa phương, tuyệt đối không bao giờ yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng.
Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, nhân dân cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất.
Mộc Miên (T/h)