Trong những ngày gần đây, thông tin về sự xuất hiện của những con tôm hùm đỏ hung dữ, phá hủy môi trường, sinh vật... được nuôi ở huyện Cao Lãnh gây xôn xao dư luận. Nhiều nông dân lo ngại, loại tôm hùm này có thể còn nguy hại hơn cả ốc bươu vàng.
Yêu cầu xác minh cách thức xâm nhập
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Đồng Tháp, cuối năm 2016, Công ty TNHH Sen Hoàng Giang (Công ty Sen Hoàng Giang) đã mang 4 kg (khoảng 120 con) tôm hùm đỏ từ Hà Nội về nuôi thử. Chủ doanh nghiệp không biết tôm hùm đỏ là sinh vật ngoại lai bị cấm nuôi. Sau khi nhận được thông tin trên, Chi cục Thủy sản Đồng Tháp đã phối hợp với doanh nghiệp, người dân bắt và tiêu hủy toàn bộ số tôm hùm đỏ, kết hợp phun thuốc trừ sâu tiêu hủy triệt để đồng thời nhắc nhở doanh nghiệp cam kết không tái phạm.
Trứng ốc bươu vàng xuất hiện nhiều trên ruộng lúa ở Bạc Liêu cuối tháng 12/2016 |
Tôm hùm đỏ thực chất là tôm hùm nước ngọt, hay còn gọi là tôm hùm đất có tên khoa học là Procambarus clarkii, có nguồn gốc từ Đông Nam Hoa Kỳ. Theo ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Bộ NN&PTNT), tôm hùm đỏ có tập tính ăn tạp, đào hang phá hoại các bờ ruộng... ảnh hưởng tới đa dạng sinh học. Trước đây, Bộ NN&PTNT đã tiến hành nghiên cứu, kết quả cho thấy, ngoài tập tính không tốt thì hiệu quả kinh tế của loài tôm hùm này cũng không cao.
"Loại tôm này không được đưa vào danh mục được phép kinh doanh tại Việt Nam. Thông tư liên tịch số 27 giữa Bộ NN&PTNT và Bộ Tài nguyên Môi trường cũng quy định giống tôm này được xếp vào nhóm ngoại lai có khả năng xâm hại, vì vậy không được sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam”, ông Cẩn cho biết.
Về vấn đề này, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) đã có văn bản gửi Sở NN&PTNT Đồng Tháp yêu cầu xác minh sự việc và báo cáo các giải pháp xử lý hiện tượng thả nuôi loài ngoại lai trái phép. Xác minh nguồn gốc, số lượng và cách thức xâm nhập vào Việt Nam.
Kiểm soát chặt các đường lây lan
Theo các chuyên gia nông nghiệp, Việt Nam là nước nhiệt đới, sản xuất nông nghiệp và đa dạng sinh học. Do vậy, nếu loài tôm này được phát tán, có thể ảnh hưởng tới môi trường sinh thái, ngành lúa gạo, thủy sản. Đặc biệt, Đồng Tháp là một trong những tỉnh trọng điểm về lúa gạo, nên việc bảo vệ môi trường, sinh học là rất quan trọng.
Thực tế, mối nguy của sinh vật ngoại lai không mới ở nước ta, có những loài đã tồn tại từ hàng chục năm qua như: cây mai dương, ốc bươu vàng, lục bình... Theo PGS - TS Nguyễn Hồng Sơn, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, ốc bươu vàng là một trong những loài gây hại mạnh nhất ở Việt Nam. Du nhập từ năm 1975, gặp các điều kiện phù hợp, ốc bươu vàng phát tán nhanh chóng và đã được tìm thấy ở hầu hết các vùng miền. Ốc bươu vàng có thể ăn được hầu hết các loài thực vật, gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với đa dạng sinh học, sản xuất nông nghiệp.
Vì vậy, quản lý sinh vật ngoại lai xâm hại đóng vai trò quan trọng góp phần bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ sản xuất nông nghiệp trong nước.
Để khuyến cáo người nông dân, ông Cẩn cho biết: “Bộ NN&PTNT đã có quy định về những loài muốn phát triển, du nhập phải có đánh giá tác động đối với môi trường sinh thái, hiệu quả kinh tế mới được sản xuất, kinh doanh. Do vậy, mong người dân, doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định của Bộ NN&PTNT, chỉ sản xuất kinh doanh những loài nằm trong danh mục được phép sản xuất, kinh doanh”.
Về giải pháp tổng thể, “Cần lập bản đồ phân bố để kiểm soát và xử lý kịp thời các vùng mới bị xâm nhiễm sinh vật ngoại lai. Đồng thời, áp dụng nghiêm ngặt các quy định về kiểm dịch, kiểm soát để ngăn chặn các con đường lây lan của sinh vật từ bên ngoài vào Việt Nam. Tăng cường thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng tham gia phát hiện và ngăn chặn sớm sự phát tán của sinh vật ngoại lai”, PGS - TS Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh.
Điều 43 Nghị định 155/2016/NĐ - CP quy định: Phạt cảnh cáo đối với hành vi nuôi, lưu giữ, vận chuyển, trồng, cấy loài ngoại lai xâm hại ngoài phạm vi khu bảo tồn không vì mục đích thương mại, trong trường hợp kiểm soát được sự phát triển, lây lan của chúng và chưa gây ra thiệt hại. Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi nuôi, lưu giữ, vận chuyển, trồng, cấy loài ngoại lai xâm hại ngoài phạm vi khu bảo tồn vì mục đích thương mại, trong trường hợp kiểm soát được sự phát triển, lây lan của chúng và chưa gây ra thiệt hại; Hành vi nuôi, lưu giữ, vận chuyển, trồng, cấy loài ngoại lai xâm hại ngoài phạm vi khu bảo tồn bị xử phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 640 triệu đồng đối với hành vi gây thiệt hại trị giá dưới 10 triệu đồng đến 150 triệu đồng; Hành vi nhập khẩu loài động vật, thực vật ngoại lai xâm hại bị xử phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 1 tỷ đồng đối với tang vật vi phạm trị giá dưới 10 triệu đồng đến dưới 250 triệu đồng. |