Ngày 14/8, sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho biết, cơ quan này đã xác định được 3 chủ thể đăng ký tài khoản mạng xã hội Facebook liên quan đến vụ việc “bác sĩ Trần Khoa” gồm: “JK”, “HMAĐ” và “NHT”, Tuổi Trẻ đưa tin.
Trước đó 2 ngày, Thanh tra sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đã gửi thư mời tới 3 chủ tài khoản trên để làm việc về các nội dung bài viết.
Tuy nhiên, các chủ tài khoản này hiện ở địa phương khác, không có mặt tại TP.HCM từ tháng 6/2021 nên không thể đến làm việc theo yêu cầu của sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM. Những người này đề nghị dời buổi làm việc sau thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Thanh Niên thông tin thêm.
Bước đầu các chủ tài khoản đã có văn bản giải trình liên quan vụ việc cho thanh tra Sở.
Thông tin hư cấu, bịa đặt trên tài khoản Facebook Trần Khoa. Ảnh: Tuổi trẻ
Trước đó, tối 7/8, trên tài khoản Facebook có tên Trần Khoa, tự nhận là đang công tác tại bệnh viện Chợ Rẫy, đã lan truyền thông tin với nội dùng "bác sĩ" này đang chăm sóc cha và mẹ cùng một sản phụ mắc COVID-19 nặng, đang mang song thai.
Bài đăng viết rằng, bố mẹ của "bác sĩ Khoa" cũng làm trong ngành y, đã về hưu nhưng tham gia giúp người ở vùng có dịch và không may mắc COVID-19 rồi trở nặng, được đưa vào nơi anh này công tác để điều trị.
Khi bố mất và mẹ nguy kịch có thể không qua khỏi, vị "bác sĩ" này đã quyết định rút ống thở của mẹ để nhường sự sống cho sản phụ và thực hiện cuộc mổ bắt con thành công.
Sau khi đăng tải, bài viết đã được lan truyền với tốc độ chóng mặt, hầu hết cộng đồng mạng đều bày tỏ sự xúc động và cảm phục trước hành động của "bác sĩ Khoa".
Ngày 8/8, cơ quan chức năng của TP.HCM xác định câu chuyện về "bác sĩ Trần Khoa" là không có thật và tài khoản "Trần Khoa" là giả mạo. Tuy nhiên, tài khoản này có tương tác, trao đổi với nhóm các tài khoản khác, đồng thời có dấu hiệu trục lợi bằng hình thức kêu gọi quyên góp từ thiện thông qua tài khoản "Trần Khoa".
Hoa Vũ (T/h)