Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cảnh giác trước ma trận tin giả thời Covid

(DS&PL) -

Thông tin sai sự thật xuất hiện tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội trong lúc dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khiến cơ quan chức năng đau đầu tìm giải pháp ngăn chặn.

Sở GD&ĐT TP.HCM bác tin đồn có thí sinh tử vong vì Covid-19

Tại cuộc họp báo về phòng chống dịch Covid-19 tại TP.HCM mới đây, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc phụ trách sở GD&ĐT khẳng định, thông tin lan truyền trên mạng xã hội liên quan đến một thí sinh tại điểm thi trường THPT Lê Quý Đôn, Quận 3 dương tính với SARS- CoV-2 và tử vong là sai sự thật. Ông Hiếu cho biết thí sinh nói trên hiện đang được điều trị tại bệnh viện dã chiến Củ Chi và khoẻ mạnh.

Trước đó, sáng ngày 7/7, tại điểm thi trường THPT Lê Quý Đôn, Quận 3 có 1 thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT khi đang làm bài thi môn Ngữ văn thì có vấn đề về sức khỏe, chuyển trung tâm Y tế quận 3 test nhanh thì dương tính với nCoV dù trước đó thí sinh này đã xét nghiệm âm tính vào ngày 3/7. Quận 3 đã cho lấy mẫu xét nghiệm nhanh và cách ly các cán bộ, thí sinh liên quan. Kết quả xét nghiệm nhanh cho thấy các thí sinh liên quan đều âm tính.

Ông Hiếu cũng cho biết, vừa qua trong kỳ thi THPT, TP.HCM đã ghi nhận 3 thí sinh diện F0, 7 thí sinh diện F1 liên quan đến kỳ thi. Đối với các phòng thi có trường hợp nghi F0, điểm thi đã tách thí sinh làm đôi và cho các em làm bài ở phòng dự phòng; tăng giãn khoảng cách và thực hiện biện pháp an toàn theo hướng dẫn. Các điểm thi được khử khuẩn sau mỗi buổi thi.

Về trường hợp thí sinh ở điểm thi THPT Lê Thánh Tôn (quận 7), khi lấy mẫu sàng lọc trước khi thi có kết quả âm tính. Đến ngày 6/7, thí sinh đi làm thủ tục thi bình thường. Cũng trong ngày này, tại nơi cư trú của thí sinh thực hiện xét nghiệm cộng đồng, kết quả xét nghiệm mẫu gộp cho ra kết quả dương tính. Ngay sau đó, trung tâm Y tế Quận 7 đã cách ly em này để thực hiện xét nghiệm mẫu đơn. Kết quả xét nghiệm lại 2 lần đối với mẫu đơn của thí sinh đều cho kết quả âm tính. Chiều 7/7, thí sinh đã được tham gia thi môn Toán ở một phòng thi riêng, đồng thời thí sinh được lấy mẫu xét nghiệm PCR lại và vẫn có kết quả âm tính.

Trình bày thêm về trường hợp các thí sinh được cách ly sau khi thi tốt nghiệp THPT, ông Hiếu cho biết: "Tất cả thí sinh liên quan đến thí sinh F0 đang được cách ly ở khách sạn, được UNBD Quận 3, 5, 8 chi trả toàn bộ chi phí từ nguồn ngân sách địa phương. Phụ huynh không phải lo lắng về chi phí cách ly".

Thực hư giá tăng phi mã, bắp cải Việt Nam giá 250.000 đồng/kg

Hình ảnh bắp cải xoăn, bí đỏ nhập khẩu lan truyền trên mạng xã hội. Ảnh: chụp màn hình

Emart Vietnam vừa có thông tin chính thức đến người tiêu dùng, thông qua fan- page trên Facebook, về việc trong suốt ngày 8/7 có rất nhiều tài khoản mạng xã hội lan truyền bức ảnh bắp cải nặng 818g chụp tại Emart Gò Vấp có giá bán 204.500 đồng, tương đương 250.000 đồng/kg.

"Các nội dung đăng tải trên các mạng xã hội gây ngụ ý về giá bắp cải Việt Nam đã tăng giá hơn 10 lần so với bình thường là hoàn toàn không chính xác", Emart Vietnam khẳng định và cho biết bắp cải Đà Lạt hiện bán tại Emart Vietnam với giá khuyến mãi 18.500 đồng/kg.

Ảnh bắp cải được đăng tải trên các tài khoản mạng xã hội như đề cập là bắp cải xoăn Úc. Đây là sản phẩm được xem là "nữ hoàng rau xanh" được đối tác của Emart nhập khẩu từ Úc, không phải bắp cải Đà Lạt. "Trên thực tế, các sản phẩm tươi sống được nhập khẩu thường có giá bán khác với các sản phẩm được gieo trồng tại Việt Nam vì nhiều lý do khác nhau. Bên cạnh bắp cải xoăn Úc, nhiều hình ảnh, bắp cải xanh, bông cải tím, bí đỏ, súp lơ... được bán tại các siêu thị Emart, Aeon, Vinmart+... giá 200.000 - 300.000 đồng/kg cũng lan truyền trên mạng xã hội khiến nhiều người hiểu lầm, bức xúc.

Tuy nhiên, nếu để ý trên những nông sản này đều ghi rõ nhãn bằng tiếng Việt để mọi người nắm thông tin. Theo đó, các nông sản được bán với giá trị cao trên đều được nhập khẩu từ nước ngoài về Việt Nam.

Emart Vietnam khuyến cáo, hiện nay, các cơ quan quản lý Nhà nước đang rất nỗ lực chống dịch và đảm bảo bình ổn hàng hóa cả về số lượng và giá cả. Rất mong mọi người sử dụng mạng xã hội cần tìm hiểu thông tin thật chính xác trước khi đăng tải hoặc chia sẻ để không gây hoang mang đối với người đọc.

Phiếu xét nghiệm Covid-19 giả ghi thông tin phong tỏa toàn tỉnh Cà Mau

Sáng 9/7, nhiều người sử dụng mạng xã hội hoang mang, truyền nhau bảng xét nghiệm Covid-19 của 1 người kết quả dương tính nhưng trong đó có nội dung phong tỏa toàn tỉnh Cà Mau. Theo đó, nội dung phiếu kết quả xét nghiệm lan truyền trên mạng xã hội ghi người xét nghiệm là Hồ Minh Giác (31 tuổi, ngụ P.8, TP.Cà Mau, Cà Mau), kết quả dương tính với Covid-19.

Đặc biệt, phía dưới phiếu kết quả xét nghiệm ghi nhiều nội dung, cụ thể: "Cà Mau cần tìm người liên quan đến ca dương tính mới bệnh nhân 47167 Hồ Minh Giác; yêu cầu khẩn trương cách ly, truy vết những trường hợp tiếp xúc gần trong vòng 7 ngày; đối tượng Hồ Minh Giác đã đi rất nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người lịch trình di chuyển rất phức tạp trên địa bàn các tỉnh miền Tây đặc biệt là tỉnh Cà Mau. Cách ly ngay bệnh viện Sản - Nhi, phong tỏa toàn tỉnh, quán cà phê trái phép đường Lê Đại Hành, khẩn trương truy vết các tiếp xúc F1; báo cáo về UBND tỉnh chậm nhất vào sáng ngày 9/7".

Ông Nguyễn Văn Đen, Phó Giám đốc sở Thông tin - Truyền thông Cà Mau cho biết, hình ảnh phiếu xét nghiệm đang được người dân truyền tay thông qua mạng xã hội gây xôn xao dư luận tại địa phương là giả. Phiếu này cũng chứa những thông tin bịa đặt, sai sự thật.

Ông Đen nêu rõ, qua xác minh, đối chiếu chứng cứ có liên quan, cơ quan chức năng Cà Mau khẳng định, đây là phiếu giả mạo. Phiếu này đã bị kẻ xấu can thiệp, chỉnh sửa kết quả xét nghiệm và bổ sung thêm nội dung bịa đặt, sai sự thật. Hiện, Công an tỉnh Cà Mau đang phối hợp các cơ quan chức năng có liên quan làm rõ, tùy theo mức độ vi phạm sẽ tiến hành xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Minh Vy (T/h)

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ Ba (111)

Tin nổi bật