Việc mở rộng khai quật khảo cổ khu vực nghi lăng mộ vua Quang Trung tại gò Dương Xuân (phường Trường An, TP Huế) dự kiến được thực hiện vào quý II/2018.
Trả lời báo chí ngày 26/10, ông Cao Huy Hùng, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết, đơn vị đang phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện các thủ tục liên quan để mở rộng khai quật gò Dương Xuân (phường Trường An, TP Huế) nơi một số nhà nghiên cứu nghi vấn, cho rằng có sự tồn tại của cung điện Đan Dương và lăng mộ vua Quang Trung.
Việc mở rộng khai quật khảo cổ khu vực nghi lăng mộ vua Quang Trung dự kiến được thực hiện vào quý II/2018 trong thời gian 90 ngày, trên diện tích 300m2, trong đó điểm khai quật chính là mở rộng hố thăm dò số 5 với diện tích 200m2.
Từ hố khai quật này sẽ tiếp tục mở rộng theo hướng chùa Thiền Lâm với khoảng cách 50m. Ngoài ra, đoàn sẽ khai quật thêm 4 khu vực khác, gồm: cồn Bông Sứ (25m²), giếng loạn (25m²), khu vực mộ trước chùa Vạn Phước (25m²) và hồ bán nguyệt (25m²).
Hố số 5 nơi có dấu tích một kiến trúc đá nghi là chân móng của một tường thành rộng lớn có niên đại từ đời chúa Nguyễn đến Tây Sơn-vua Nguyễn. Ảnh: Dân Trí |
Trước đó, vào tháng 10/2016, Viện Khảo cổ học phối hợp vưới Bảo tàng lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện thăm dò khảo cổ tại khu vực gò Dương Xuân theo quyết định của Bộ VH, TT&DL.
Việc thám sát khảo cổ được thực hiện với 5 hố trên diện tích 22 m2 diễn ra 13 ngày (7/10 đến 20/10/2016). Địa điểm thăm dò ở 2 chùa Thuyền Lâm, Vạn Phước và một số nhà dân ở gò Dương Xuân (phường Trường An, TP Huế).
Kết quả, tại hố thăm dò số 1, số 2, số 3, số 4 chưa phát hiện dấu vết kiến trúc. Riếng hố khảo cổ thứ 5 (số nhà 13/120 Điện Biên Phủ, TP Huế), đoàn tìm ra dấu vết rất quan trọng nghi là nền móng tường thành xưa. Khi đào đến độ sâu 0,2 m, các nhà khảo cổ học phát hiện dấu vết gồm nhiều tảng đá nằm vuông góc với nhau. Riêng đoạn cuối lớp đá có một lớp vôi tiếp nối, cùng với lớp đất lạ giống như cát vàng và sỏi.
Từ những kết quả thu được, đoàn thăm dò bước đầu nhận định, lớp đá hố 5a và 5b có thể liên quan đến cấu trúc lớn, rất có thể là móng tường, móng thành phần trên đã bị các hoạt động của cư dân hiện đại xâm lấn. Các nhà khảo cổ cho rằng những dấu vết này có liên quan tới kiến trúc của điện Đan Dương.
Hoàng Yên (T/h)