(ĐSPL) - Nhiều năm qua, hàng trăm người dân làng Khánh Thượng, xã Cao Thịnh, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) luôn sống trong cảnh thấp thỏm lo âu, tính mạng bị đe dọa nghiêm trọng. Âm thanh rùng rợn của tiếng đá nổ, gió cuốn bụi bay mù mịt, cùng với đó là những viên đá nhỏ bắn tứ tung khiến nhà dân vỡ ngói, xập xệ, nứt toác.
Qua trại giam số 5 Yên Định, men theo con đường ngoằn ngèo, đất đá lởm chởm, chúng tôi vào thăm làng Khánh Thượng, xã Cao Thịnh, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa). Từ đầu làng, tiếng máy cắt đá chạy ầm ầm, đi vào giữa làng, chúng tôi thấy một mỏ đá đang hoạt động.
Một người dân cho biết: "Ở đây, lúc nào cũng ồn ào như vậy, khiến người dân rất khó chịu. Tuy nhiên, sống chung với tiếng ồn của máy cắt, nổ mìn cũng trở thành thói quen rồi".
Chị Bùi Thị Dương (40 tuổi), nhà sát cạnh mỏ đá rơm rớm nước mắt chia sẻ: "Họ nổ mìn không có giờ giấc cố định gì cả. Các viên đá nhỏ thường xuyên bay vào nhà. Mới đây, trong lúc đang ngồi cọ bể nước, đột nhiên mìn nổ làm hòn đá khoảng 12cm văng suýt trúng người, khiến tôi hốt hoảng. Đã rất nhiều lần doanh nghiệp nổ mìn làm đá bắn vào mái nhà, tôi có gọi cho chủ mỏ đá nhưng họ cứ ậm ờ cho qua. Tính mạng của gia đình tôi bị đe dọa, nhà cửa rạn nứt khắp nơi".
|
Những vết nứt trên tường nhà của các hộ dân do ảnh hưởng của việc nổ mìn |
Cụ Hà Hoài Ngận, nhà gần mỏ đá bức xúc: "Chúng tôi ở đây đến khốn khổ, chỉ thiếu không có tiền mua nhà để chuyển đi nơi khác ở. Hết nổ mìn tung tóe đá, lại đến tiếng máy xay đá ầm ầm suốt ngày. Không chỉ vậy, một năm có đến 6 tháng chúng tôi phải đi xin nước về sinh hoạt. Khoan giếng sâu 20m - 30m mà vẫn không có nước dùng. Chúng tôi đã nhiều lần báo cáo với cán bộ xã nhưng vẫn đâu vào đấy, kiện như con kiến kiện củ khoai thôi".
Theo quan sát của PV, mỏ đá nằm ngay giữa làng, gần sát nơi ở của nhiều hộ dân. Cứ khoảng 30 phút, chúng tôi lại nghe tiếng mìn nổ liên tục. Một người dân phàn nàn: "Ở đây, chuyện mìn nổ như cơm bữa, trẻ giật mình khóc là bình thường. Mỗi lần ôm con ra ngoài sân, không may mìn nổ, tôi lại ôm con chạy vào nhà, lỡ đá văng vào đầu thì khổ. Chúng tôi ngồi nói chuyện với nhau phải ghé sát vào tai mới nghe được. Họ "tra tấn" chúng tôi suốt 5, 6 năm nay".
Được biết, mỏ đá nằm giữa làng Khánh Thượng thuộc công ty Xây dựng Giao thông - Thủy lợi Đông Tân, được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản tại xã Cao Thịnh, huyện Ngọc Lặc theo Quyết định số 71/QĐ - UBND ngày 08/01/2008. Việc nổ mìn phải tuân thủ theo giờ giấc, ngày hai lần: từ11h - 11h30 và 17h - 17h30. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân trong làng Khánh Thượng, việc nổ mìn không tuân theo giờ giấc như quy định và nổ rất nhiều lần trong ngày, làm xáo trộn cuộc sống và sinh hoạt của nhiều hộ gia đình.
|
Mỏ đá nằm giữa làng Khánh Thượng, sát với nhiều hộ dân
|
Theo ông Bùi Ngọc Anh, trưởng thôn Khánh Thượng cho biết, nhiều hộ dân viết đơn gửi lên xã, phản ánh tình trạng nổ mìn rất nhiều lần trong các cuộc họp tiếp xúc cử tri nhưng chính quyền xã vẫn không can thiệp.
Trao đổi với PV về bức xúc của người dân, ông Trịnh Ngọc Hùng, phó chủ tịch UBND xã Cao Thịnh cho hay: "Việc công ty Xây dựng Giao thông - Thủy lợi Đông Tân nổ mìn hoặc xẻ đá gây tiếng ồn là đương nhiên. Còn tình trạng nổ mìn đá văng vào nhà người dân thì chúng tôi sẽ xác minh. Chúng tôi cũng luôn tăng cường lực lượng công an của xã để quán triệt việc nổ mìn phải đúng giờ giấc".
Còn giải thích về việc người dân địa phương mất nước liên tục, ông Hùng cho rằng: "Do nơi này có địa hình cao hơn so với các khu khác, nên việc mất nước không có gì đáng ngạc nhiên".
Bà Mai Thị Vinh, giám đốc công ty Xây dựng Giao thông - Thủy lợi Đông Tân cho rằng: "Mỏ đá của công ty nổ mìn rất đúng giờ, công nhân cũng được bảo hộ lao động. Gần đây, trong lúc nổ mìn không may đá văng vào mái chuồng lợn một nhà dân thì chúng tôi đã sang nói chuyện và mong gia đình thông cảm. Công ty cũng có cam kết về an toàn lao động, môi trường và nộp quỹ bảo vệ môi trường đầy đủ".
Rời khỏi làng Khánh Thượng trong buổi chiều, sau lưng chúng tôi tiếng mìn nổ vẫn vang lên ầm ầm. Bao giờ người dân làng Khánh Thượng mới hết cảnh nghe tiếng mìn nổ giật mình, ôm con chạy trốn như thời chiến tranh? Bao giờ mới hết cảnh gánh nước làng bên về sinh hoạt? Đây vẫn là những câu hỏi chưa có lời đáp...