Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Mở cửa xe gây chết người phải chịu trách nhiệm gì?

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Khi mở cửa ô tô gây tai nạn cho người đi đường, theo luật định, người mở cửa xe sẽ bị phạt bao nhiêu năm tù?

(ĐSPL) - Khi mở cửa ô tô gây tai nạn cho người đi đường, theo luật định, người mở cửa xe sẽ bị phạt bao nhiêu năm tù?
Nội dung vụ việc
Sáng ngày 14/4, chị Trần Thị Lan A (32 tuổi, ngụ phường Bình Định, thị xã An Nhơn, Bình Định) điều khiển xe máy, đang lưu thông trên Trần Hưng Đạo (đoạn thuộc phường Đống Đa, TP Quy Nhơn, Bình Định) thì va đập vào xe tải 77C- 04880 đang đỗ bên đường. Chị A ngã xuống đường. Vừa lúc đó, xe tải 77C-04026 do tài xế Huỳnh Chí V (48 tuổi, ngụ xã Canh Vinh, huyện Vân Canh, Bình Định) điều khiển, từ phía sau chạy đến không xử lý kịp, cán qua người chị A làm nạn nhân chết tại chỗ.
Theo nhiều người chứng kiến, nguyên nhân tai nạn do tài xế (chưa rõ danh tính) xe tải 77C- 04880 đang dừng đột ngột mở cửa bên trái của xe làm chị A đang điều khiển xe máy trên đường va đập vào, ngã xuống đường.

Hiện trường vụ tai nạn - Ảnh: Báo Tiền Phong

Theo quy định của pháp luật, người mở cửa xe gây nên tai nạn thương tâm như nói trên có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?
Trong vụ việc mở cửa xe ô tô gây tai nạn giao thông dẫn đến chết người cần phải xét đến yếu tố lỗi hỗn hợp của nhiều phía. Người mở cửa xe gây ra tai nạn nhưng người trực tiếp đâm vào dẫn đến chết người lại là chiếc xe đi phía sau. Tài xế xe sau cũng có thể bị truy cứu hình sự nếu vi phạm về tốc độ và phần đường khi điều khiển phương tiện giao thông.
Theo khoản 3 Điều 18 Luật giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe phải thực hiện quy định sau đây:
a) Có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết.
b) Cho xe dừng, đỗ ở nơi có lề đường rộng hoặc khu đất ở bên ngoài phần đường xe chạy; trường hợp lề đường hẹp hoặc không có lề đường thì phải cho xe dừng, đỗ sát mép đường phía bên phải theo chiều đi của mình.
c) Trường hợp trên đường đã xây dựng nơi dừng xe, đỗ xe hoặc quy định các điểm dừng xe, đỗ xe thì phải dừng, đỗ xe tại các vị trí đó.
d) Sau khi đỗ xe, chỉ được rời khỏi xe khi đã thực hiện các biện pháp an toàn; nếu xe đỗ chiếm một phần đường xe chạy phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe để người điều khiển phương tiện khác biết.
đ) Không mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn.
e) Khi dừng xe, không được tắt máy và không được rời khỏi vị trí lái.
g) Xe đỗ trên đoạn đường dốc phải được chèn bánh.
Như vậy việc lái xe bất ngờ mở cửa là hành vi không bảo đảm an toàn về giao thông đường bộ khi dừng đỗ. Cái chết của nạn nhân là do tài xế xe tải phía sau trực tiếp gây ra. Hành vi mở cửa của lái xe tải mở cửa  là điều kiện thúc đẩy hậu quả khiến nạn nhân tử vong.
Ở đây người mở cửa xe đã phạm lỗi là thiếu quan sát, rời khỏi xe khi chưa đảm bảo các điều kiện an toàn và gây ra tai nạn giao thông với hậu quả nghiêm trọng. Người mở cửa xe ô tô đã vi phạm cả Luật Giao thông đường bộ lẫn Luật hình sự (vì gây chết người). Mức xử phạt cao nhất được tiến hành theo điều khoản quy định tại Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Do đó, người thực hiện hành vi mở cửa nói trên sẽ phải chịu trách nhiệm về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 202 Bộ luật Hình sự. Tùy vào mức độ vi phạm, người phạm tội có thể phải chịu một trong các hình phạt: Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm… theo Điều 202 Bộ luật Hình sự.
Tuy nhiên, trong trường hợp trên thì nguyên nhân trực tiếp gây ra cái chết cho người điều khiển xe máy lại là do xe ô tô chạy đằng sau cán phải, không phải do người mở cửa xe ô tô. Chính vì thế, ở đây cần xét đến yếu tố lỗi hỗn hợp và trách nhiệm hỗn hợp của cả hai phía. Cụ thể là cần phải xét đến việc có hay không trách nhiệm của tài xế điều khiển chiếc xe trực tiếp đâm chết người kia.
Nếu người tài xế điều khiển chiếc xe phía sau chạy quá tốc độ quy định trên tuyến đường xảy ra tai nạn (Ví dụ: Ở nội thành quy định chạy 40km/giờ mà anh chạy lên đến 60km/giờ hoặc chạy sai làn đường thì rõ ràng người điều khiển chiếc xe này đã vi phạm luật giao thông và cũng là nguyên nhân đã gây ra cái chết cho người đi xe máy). Ở trường hợp này, tài xế của chiếc xe phía sau vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự cùng với người đã mở cửa ô tô gây tai nạn trước đó.
Tuy nhiên, nếu người điều khiển xe ô tô chạy sau chạy đúng và làm chủ được tốc độ của mình, đúng làn đường thì không thể truy cứu trách nhiệm được. Trong trường hợp này, việc gây chết người được xem là trường hợp bất khả kháng, không may xảy ra mà thôi.
Về trách nhiệm dân sự, cả hai tài xế đều đang chiếm hữu, sử dụng ôtô - là “nguồn nguy hiểm cao độ”, theo quy định tại Điều 623 Bộ luật dân sự 2005. Vì thế, chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải tuân thủ các quy định bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng các quy định của pháp luật và phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì những người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thoả thuận khác. Như vậy, trong trường hợp lái xe tải đằng sau không phải chịu trách nhiệm hình sự thì trách nhiệm dân sự sẽ do cả hai lái xe tải cùng liên đới chịu trách nhiệm.
Luật Gia Đồng Xuân Thuận

Tin nổi bật