Trong Chương trình “Chung tay vì sự sống 2018” diễn ra tối 18/9 tại Ninh Bình, bà Đinh Thị Thông mẹ anh Nguyễn Ngọc Khiêm (Thái Bình) không khỏi xúc động chia sẻ: Khi thấy người được ghép tim của con trai tôi trên tivi, tôi và con dâu đã khóc.
Bà Thông là một trong ba gia đình được tôn vinh tại chương trình “Chung tay vì sự sống 2018” diễn ra cùng với Hội nghị khoa học ghép tạng Việt Nam lần thứ V, 2018. Con bà là anh Nguyễn Ngọc Khiêm được Bộ Y tế truy tặng kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân. Anh Khiêm là người đã hiến tạng cứu sống 6 bệnh nhân.
GS – TS Trịnh Hồng Sơn, GĐ Trung tâm điều phối và ghép tạng QG trao kỷ niệm chương cho bà Thông. |
Bước lên sân khấu, người mẹ quê nghèo chân chất ấy dù đau khổ vì con đã ra đi nhưng niềm tự hào vẫn đong đầy trong từng câu chuyện của bà khi kể con trai Nguyễn Ngọc Khiêm.
“Hai mẹ con tôi nhìn thấy người được ghép tim trên tivi mà rất hạnh phúc, sung sướng. Tôi không ân hận vì sự ra đi của con. Khi con đi học, bố mẹ luôn mát mặt vì con được thầy cô và bạn bè quý mến. Con nằm viện, bạn bè thay nhau thăm nom.
Vì con tôi không thể qua khỏi nên tôi được mời lên bệnh viện và được tư vấn hiến tặng mô tạng của con, chỉ trong tích tắc tôi đã nghĩ ngay rằng, mình thờ Phật. Phật, Thánh luôn dạy làm điều thiện. Tôi cũng thương người nên đồng ý ngay. Và mô tạng con tôi đã hiến tặng rồi, tôi không đòi hỏi gì.
Trước đó, đầu tháng 5/2018, anh Nguyễn Ngọc Khiêm (sinh năm 1989; trú tại xóm 9, thôn Hà Lý, xã Hùng Dũng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình), từng là quân nhân tại Lữ đoàn 384, Binh đoàn 12, không may bị tai nạn giao thông, phải cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức.
Khi biết Khiêm bị chết não, gia đình đã quyết định hiến tim, thận và giác mạc…của anh cho những người cần. Gia đình anh hiện có bố mẹ già, người vợ góa nuôi 2 con nhỏ. Anh trai Khiêm thiểu năng trí tuệ. Dù gia cảnh khó khăn, nhưng họ đã có một tấm lòng cao cả khi hiến tặng một phần thân thể con trai.
Sau khi nghe người mẹ chia sẻ, Ths Nguyễn Hoàng Phúc, Phó GĐ Trung tâm điều phối và ghép tạng Quốc gia nói: Tôi còn nhớ khi hình ảnh thùng đựng trái tim anh Khiêm được vận chuyển đến Huế để ghép được đăng lên. Cháu của anh Khiêm đã comment rằng “Lần đầu tiên cậu được đi máy bay". Cảm xúc của chúng tôi nghẹn lại.
Ông Lê Xuân Cựu ngoài cùng bên trái tại buổi giao lưu |
Cũng tại chương trình, ông Lê Xuân Cựu bố thiếu tá Lê Hải Ninh, thiếu tá đã hiến tạng cứu 6 người đầu năm nay và chị Nguyễn Hải Vân, mẹ bé Vân Nhi người hiến giác mạc cũng được trao tặng kỷ niệm chương.
Thiếu tá Lê Hải Ninh (45 tuổi, quê ở huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình), cán bộ thuộc Lữ đoàn Tăng thiết giáp 202, Quân đoàn 1 được bệnh viện tuyến dưới chuyển đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 ngày 23/2/2018 với chẩn đoán trạng thái sau hồi sinh tim phổi do đột quỵ não xuất huyết dưới nhện lan tỏa, phù não nặng. Bệnh nhân đã được hồi sức và điều trị tích cực nhưng tình trạng bệnh ngày càng quá nặng. Hội đồng chuyên môn Bệnh viện đã hội chẩn và kết luận bệnh nhân chết não.
Ông Lê Xuân Cựụ, bố thiếu tá Ninh nói: Con tôi ra đi và đã cống hiến cho nhân dân, cho đất nước ở khía cạnh khác. Con tôi là sĩ quan quân đội không may gặp rủi ro. Con tôi mất đi là tổn thất lớn nhưng để lại cho chúng tôi niềm tự hào. Đâu đó, con tôi vẫn còn tồn tại. Tôi không biết người được ghép ở đâu. Tôi chỉ mong họ khỏe mạnh để công tác tốt.
Tôi nhớ khi con tôi mất đi, trước khi tặng tạng, chúng tôi đã phải vượt qua rào cản rất lớn là quan niệm chết toàn thây. Nhưng cuối cùng, chúng tôi đã cùng thống nhất trao tặng.
Còn chị Nguyễn Hải Vân, mẹ bé Vân Nhi (12 tuổi) đã từng mong muốn hiến tạng chứ không chỉ giác mạc. Nhưng tiếc thay, luật quy định chỉ hiến tạng khi đủ 18 tuổi. Quá xúc động, chỉ chia sẻ được vài lời, chị Hải Vân không kìm nổi nước mắt nhớ thương con. Mẹ Vân Nhi muốn con tiếp tục ở cuộc đời này khi một phần cơ thể con sống trên cơ thể người khác.
Chị Nguyễn Hải Vân, mẹ bé Vân Nhi |
Đỡ lời chị Vân, Ths Phúc kể: “Tôi nhớ cái ngày nhận được điện thoại của gia đình Vân Nhi về việc có tâm nguyện hiến tặng mô tạng. Đây là 1 cô bé vô cùng xinh xắn, cô bé nằm đó như đang ngủ, trong giây phút đó".
Về việc hiến mô tạng ở trẻ dưới 18 tuổi, Ths Phúc nói: Có những bệnh nhi cần được ghép tạng và có những bệnh nhi ra đi, gia đình muốn tặng tạng vậy tại sao không thể cho tặng? Chúng ta cần sửa đổi quy định trong luật. Với hành động và ý nghĩa nhân ái này, tôi tin khi đề xuất lên, các Đại biểu Quốc hội sẽ ủng hộ.
Được biết, năm 2017 có số lượng ghép tạng cả nước nhiều nhất với 673 ca. Đến nay, toàn quốc có 82 người chết hiến tạng, trung bình mỗi năm có 10 người. Nếu tính theo tỷ lệ dân số thì một triệu người dân mới có 0,11 người hiến tạng khi chết. Trong khi đó, tại Australia là 20,7 lần (gấp Việt Nam 200 lần) và ở Mỹ là 31,6 lần (gấp gần 300 lần).
Sau lễ phát động, có 200 người đã đăng ký hiến mô, tạng. Hội Chữ thập đỏ Ninh Bình đã tổ chức một đoàn xe 200 người cổ động, mang thông điệp hiến tặng mô tạng tới từng con phố, từng người dân thành phố Ninh Bình để lan tỏa thông điệp “Hãy đăng ký hiến tặng mô tạng để sự sống được nối dài” tới mọi người dân. Ủng hộ cho sự kiện này, linh mục Nguyễn Hồng Phúc, chính xứ Cách Tâm, xã Chính Tâm, huyện Kim Sơn đã đăng ký hiến tạng.
Tại buổi lễ, GS – TS Trịnh Hồng Sơn, GĐ Trung tâm điều phối và ghép tạng QG bày tỏ: Những người chết não phải chôn mà không hiến tặng các bộ phận sẽ rất đáng tiếc. Tôi rất cảm động, mới đây thôi, tại Chùa Giác Ngộ (TP.HCM) chỉ sau vài giờ phát động, đã có 600 đơn đăng ký hiến mô tạng. Và qua cuộc vận động này, tôi hy vọng sẽ nhiều người hiểu về chết não và đăng ký hiến mô tạng sau khi ra đi.