Thông tin từ GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc bệnh viện Việt Đức, trong một tháng qua, bệnh viện đã có 4 ca chết não hiến tạng cứu sống 16 người (8 ca ghép thận, 4 ca ghép gan và 4 ca ghép tim).
Đây là một con số hi hữu đáng ghi nhận. Điều này cho thấy nhận thức của người dân đang tăng lên, họ đã nhận ra được lợi ích của việc hiến, ghép tạng.
Cũng theo chia sẻ từ vị bác sĩ này, để lấy tạng của 4 người hiến tạng ghép cho 16 bệnh nhân trong 1 tháng liên tục, đội ngũ y bác sĩ 100 người đã phải làm việc xuyên đêm, làm cả ngày nghỉ. Cùng một lúc phải có 5 bàn mổ lấy tạng và ghép tạng diễn ra.
“Những trường hợp được ưu tiên ghép phải có sự hòa hợp miễn dịch và cấp cứu”, GS.TS Trần Bình Giang nhấn mạnh.
BS. Nguyễn Quang Nghĩa, Giám đốc trung tâm Ghép tạng, bệnh viện Việt Đức cũng cho biết, một bệnh nhân ghép tạng có thể sống trung bình 10-15 năm là bình thường. Đối với ghép gan, bệnh nhân sống thêm sau 5 năm chiếm 80%, do bệnh lý gan có thể quay lại và tái phát. Hiện nay, bệnh viện ưu tiên lấy tạng hiến của người chết não, hạn chế lấy tạng người sống vì có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của họ sau này.
Bệnh nhân Đỗ Hải Tân. |
Ông Đỗ Hải Tân (65 tuổi, Đông Anh, Hà Nội) – một trong những bệnh nhân ghép gan thành công tỏ ra rất vui vẻ và hạnh phúc trong suốt quá trình trò chuyện với chúng tôi. Ông bảo, ông như được sống cuộc đời thứ hai để làm những gì mình chưa thể thực hiện.
Năm 2005, ông Tân được chẩn đoán viêm gan vi rút. Bệnh ngày càng tiến triển nặng dẫn tới xơ gan, thời gian sống được tính bằng ngày. Trước khi mổ, ông Tân cảm giác mình như ngọn đèn sắp tàn, có thể tắt bất cứ lúc nào, người mệt mỏi, da vàng, nói miệng méo, chỉ nằm một chỗ, phải truyền máu để duy trì sự sống.
[presscloud]3000[/presscloud]
Nhận thông tin về căn bệnh của mình, ông Tân đã buồn nhiều. Khi nhận được tin có người hiến tạng, ông cảm thấy sung sướng và tràn đầy hy vọng vào cuộc sống.
Ông Tân bảo, ông đã bật khóc sau khi tỉnh lại sau ca ghép. “Tôi thấy cơ thể của mình rất khác biệt, 3 ngày sau ghép da và mắt tôi không còn vàng”, ông Tân tâm sự.
Anh Nguyễn Phương Trung (40 tuổi, Sóc Sơn, Hà Nội) bị xơ gan giai đoạn 4 do chủ quan không dùng thuốc viêm gan. Năm 2010, anh Trung được chẩn đoán viêm gan vi rút, sau 4-5 năm điều trị anh thấy sức khỏe ổn định nên đã tự ý bỏ thuốc. Đến năm 2018, anh Trung mệt mỏi, khó chịu đi khám đã bị xơ gan giai đoạn cuối.
“Tôi cảm thấy mình là người may mắn vì đã nhận được tạng của bệnh nhân chết não. Sau ghép, sức khỏe của tôi tiến bộ lên từng ngày, 13 ngày sau ghép tôi đã có thể đi lại được, da và mắt không còn vàng. Qua đây tôi gửi lời cảm ơn tới người đã cho mình tạng giúp tôi được sống lại”, anh Trung nói.
Anh Trung cũng chia sẻ thêm, đối với những người trẻ khi biết bị viêm gan vi rút không nên chủ quan coi thường, phải thường xuyên đi khám, dùng thuốc để tránh rơi vào tình trạng xơ gan thì quá muộn.
Theo Người Đưa Tin