Sớm nhận ra bản thân có năng khiếu hội họa
Theo thông tin trên báo Dân Trí, ngay từ khi còn nhỏ, thầy Lê Văn Hiền (SN 1995, ở TP.HCM) đã nhận ra bản thân có năng khiếu hội họa và “máu” nghệ thuật. May mắn, niềm đam mê của anh được gia đình ủng hộ và tạo điều kiện cho đi học thêm.
Những năm học mẫu giáo, tiểu học và trung học, anh luôn được các thầy cô chú ý về khả năng vẽ, sáng tạo hay làm đồ thủ công. Đến khi lên đại học, anh có điều kiện tiếp xúc với bộ môn vẽ nhiều hơn vì trường nằm trong trung tâm thành phố, nhiều cửa hàng họa cụ ở gần. Hơn nữa, ngành anh theo đuổi cũng có những môn học liên quan.
"Tôi bén duyên với tranh vẽ phấn khi được chiêm ngưỡng các tác phẩm của thầy cô trong cộng đồng giáo viên tiểu học chia sẻ cho nhau. Mục đích của tranh bảng phấn là để trang trí lớp học vào các dịp hội họp, lễ, Tết…
Những bức tranh trông rất thu hút và tôi quyết định thử chinh phục. Tôi đã tìm hiểu, vận dụng những kiến thức, kỹ năng về màu sắc bản thân đã tích lũy được để tạo nên một bức tranh bằng phấn", thầy Hiền kể.
Thầy Hiền thường chọn vẽ những tranh thủy mặc về hoa cỏ, động vật, trái cây, phong cảnh, núi non… Mỗi bức vẽ mất khoảng 1-6 tiếng để hoàn thành, tùy theo đội phức tạp về chi tiết và màu sắc.
Báo Dân Trí đưa tin, nam giáo viên chủ yếu sử dụng phấn mỹ thuật Mont Marte 36 màu để vẽ. Với mỗi hộp phấn, anh có thể vẽ được 5-6 bức tranh. Lâu nay, thầy Hiền vẽ hơn 10 bức tranh nhưng chỉ dùng đến 2 hộp và hiện vẫn còn dư.
Thầy Hiền thường chọn vẽ những tranh thủy mặc về hoa cỏ, động vật, trái cây, phong cảnh, núi non…
Do tranh vẽ bằng phấn trên bảng nên không lưu giữ được lâu. Sau thời gian ngắn, thầy Hiền phải xóa đi để dạy học. Càng xuýt xoa trước những bức vẽ sống động, mọi người lại càng tiếc nuối khi biết tác phẩm thực hiện rất kỳ công phải xóa đi.
Thế nhưng, thầy Hiền lại nghĩ: "Cái gì càng dễ mất, càng khó lưu giữ sẽ càng được trân trọng. Khoảnh khắc xóa đi thấy tiếc nhưng tôi cũng vui vì bản thân đã đầu tư tâm sức để có tác phẩm ưng ý, nâng cao được khả năng vẽ vời, chia sẻ điều đẹp đẽ đó đến mọi người xung quanh.
Hơn nữa, với thời đại công nghệ hiện nay, việc lưu giữ lại tác phẩm cũng dễ dàng hơn. Tôi có thể chụp các bức ảnh hay quay những thước phim".
Mở lớp dạy tự do để truyền đam mê hội họa
Tốt nghiệp loại giỏi ngành Giáo dục Tiểu học của trường Đại học Sư phạm TP.HCM năm 2018, thầy Hiền về công tác trong CLB Mỹ thuật của một trường tiểu học. Sau đó, thầy quyết định nghỉ việc và mở lớp dạy tự do với mong muốn giữ lửa đam mê, truyền điều đó đến thế hệ sau.
Nam giáo viên nhận dạy các em nhỏ trong độ tuổi 6-14, ngoài ra còn tổ chức 3 khóa học online cho người lớn (chủ yếu là các thầy cô giáo cấp 1 ở nhiều nơi trên cả nước), bao gồm một khóa vẽ màu Thiên Long, một khóa vẽ trang trí bảng phấn và một khóa vẽ trang trí dưa, dừa, trái cây ngày Tết.
Thời gian đầu, số lượng học sinh đông (khoảng 30 em) khiến thầy Hiền gặp khó khăn ở khâu kiểm soát. Trong những buổi sau, thầy thường chuẩn bị kỹ lưỡng trước bài dạy, có thể dùng video quay sẵn trước (nếu cần) để dễ dàng hướng dẫn hơn. Qua một buổi học kéo dài 2-3 giờ, các học sinh có thể hoàn thành bức tranh.
"Hiện tại, tôi thấy nhu cầu của học sinh Việt đối với bộ môn này có tăng lên nhưng không nhiều. Phụ huynh thời nay cũng hết sức tạo điều kiện cho các con tham gia những lớp học về năng khiếu để có sự trải nghiệm”, giáo viên 28 tuổi chia sẻ.
Mỗi bức vẽ mất khoảng 1-6 tiếng để hoàn thành, tùy theo đội phức tạp về chi tiết và màu sắc.
Là một giáo viên dạy vẽ, thầy Hiền cảm thấy mình phải cập nhật những xu hướng mới nhất, bài học sáng tạo, từ đó áp dụng vào các buổi học. Điều này góp phần kích thích sự sáng tạo, nuôi dưỡng niềm đam mê trong các học trò nhỏ, chứ không gò bó, khuôn khổ. Theo thầy Hiền, đây mới là cách phát triển tốt nhất cho các bé.
Những yếu tố để vẽ được tranh đẹp
Chia sẻ trên chuyên trang Phụ Nữ Số, thầy Hiền cho hay điều khó khăn nhất khi vẽ tranh trên bảng là việc chồng các lớp lên nhau. Các dòng phấn trên thị trường thường khó bám bảng, dễ rơi khi chồng đến màu thứ 2 nên việc phối ra màu ưng ý sẽ gặp khó khăn, không như ý.
Thầy Hiền phải tìm cách để phối các màu lại với nhau nhưng vẫn giữ được độ bám của phấn. Phấn mỹ thuật thường ít bụi nhưng thầy vẫn cẩn thận mang khẩu trang để tránh bụi bay vào miệng hay mũi.
"Khi vẽ càng nhiều thì càng tích lũy được thêm kinh nghiệm. Mình nghĩ việc đặt tình cảm và tâm sức vào bức tranh rất quan trọng, sẽ khiến tranh trở nên có hồn và sinh động hơn", thầy Hiền bày tỏ.
XEM THÊM: Điểm danh các trường đại học miễn học phí ở Việt Nam
Theo nam giáo viên, cần chú ý đến những yếu tố sau để có thể vẽ được tranh đẹp:
-Phải thực sự thích vẽ vì khi yêu thích mới tìm hiểu, mày mò và học hỏi được.
-Bản thân cần sự luyện tập. Ban đầu tranh có thể không đẹp nhưng dần dần sẽ lên trình và trở nên tốt hơn.
-Tập quan sát tranh, ảnh hay các tác phẩm hội họa để nâng khiếu thẩm mỹ, cách phối màu, tips vẽ hay.
-Không ngừng học hỏi và cập nhật những điều mới.
Nam giáo viên hiện duy trì một kênh video riêng với 107.000 người theo dõi để hướng dẫn vẽ tranh. Ngoài những bức tranh màu sắc sinh động, thân hình cơ bắp cũng là yếu tố khiến các video của thầy giáo 28 tuổi tạo được sức hút.
Nhiều người thậm chí lầm tưởng thầy Hiền là giáo viên thể hình. Thầy còn được dân mạng đặt biệt danh vui là "thầy giáo cơ bắp". Trên thực tế, tập gym chỉ là niềm đam mê và bản thân thầy tập luyện vì sức khỏe.
Thầy Hiền dự định sẽ tiếp tục duy trì công việc dạy và mở thêm nhiều lớp vẽ.
"Mình cảm thấy vui khi có đặc điểm khác biệt để mọi người biết đến, nhờ thế họ cũng nhớ đến các bức tranh mình từng thực hiện. Khi các tác phẩm được chia sẻ, biết đâu lại khơi dậy đam mê nghệ thuật của ai đó thì mình càng hạnh phục hơn", thầy Hiền tâm sự.
Về dự định tương lai, thầy Hiền tiết lộ sẽ tiếp tục duy trì công việc dạy và mở thêm nhiều lớp vẽ. Nam giáo viên cũng tính đến việc tổ chức các buổi workshop cuối tuần để những ai yêu thích nghệ thuật có thể đến trải nghiệm, thư giãn.
Đinh Kim (T/h)
Ảnh: Dân Trí, Phụ Nữ Số