Theo báo VOV, theo thông tin mới nhất từ giới truyền thông khu vực, hãng xe Trung Quốc Chery đã phải miễn cưỡng tiến hành triệu hồi hơn 600 sản phẩm tại Malaysia. Mọi chuyện bắt nguồn từ việc một chiếc Omoda 5 đang lăn bánh rất bình thường (di chuyển trên đường đẹp, không đâm phải ổ gà hay chướng ngại vật gì - theo như hình ảnh được trích xuất lại từ camera hành trình); bỗng dưng "rụng" bánh sau và không thể đi tiếp.
Bánh xe bị đẩy về phía sau khiến chiếc crossover hạng B không thể di chuyển tiếp (Ảnh: Stephanie/Facebook).
Cô Stephanie - chủ chiếc xe gặp nạn đã đăng tải thông tin lên mạng xã hội và rất nhanh chóng thu hút lượng lớn sự quan tâm từ cộng đồng. Bởi đây là lần thứ hai sự việc lỗi tương tự được ghi nhận trên Omoda 5 - theo như lời chia sẻ của một nhân viên hãng này tại Malaysia.
Theo Stephanie, cô đã "vô cùng may mắn" vì xe rụng bánh khi đang chạy ở tốc độ chậm và giao thông đang thông thoáng. Cô và vài người bạn chỉ vừa mới ra khỏi cao tốc cách đó ít phút và nếu sự cố diễn ra sớm hơn một chút, "không thể tưởng tượng nổi chuyện gì có thể xảy tới!".
Dựa vào những hình ảnh ban đầu được chính chủ xe cung cấp; nhiều chuyên gia ô tô nhận định những chiếc Chery Omoda 5 bị lỗi nghiêm trọng ở mối hàn liên kết cầu sau. Cụ thể, thanh dầm cầu sau đã bị rỉ và rơi khỏi phần khung gầm xe.
Càng sau tách rời để lộ ra mối hàn được nhận định là có mức độ hoàn thiện sơ sài (Ảnh: Stephanie/Facebook).
Theo các chuyên gia, đây là hiện tượng dây chuyền robot hàn của nhà máy sản xuất không đạt nhiệt độ lý tưởng, khiến mối hàn không "ngấu" (kết dính các chi tiết lại với nhau theo tiêu chuẩn). Đây là một lỗi không hề hiếm gặp đối với hệ thống hàn tự động; nhưng khâu kiểm định chất lượng xuất xưởng của nhà máy thì có lỗ hổng rất lớn.
Trong khi đó, Chery Malaysia đã ban hành lệnh triệu hồi để đề phòng an toàn đối với 600 chiếc trong 7000 xe Omoda đã bán ra do có thể có vấn đề về trục xe.
Theo Chery, hãng đã xác định được vấn đề và bộ phận dầm trục sau trên những chiếc xe bị ảnh hưởng sẽ được thay thế hoàn toàn chứ không phải sửa chữa. Công việc sẽ mất khoảng hai giờ. Những chủ sở hữu bị ảnh hưởng sẽ sớm liên hệ trực tiếp để đưa xe của họ vào.
Vấn đề xác định từ một lô linh kiện bị ảnh hưởng, nguyên nhân có thể là do hoạt động nâng cấp cơ sở của một nhà cung cấp linh kiện cụ thể. Công ty đảm bảo với khách hàng của mình rằng lô xe bị ảnh hưởng vẫn an toàn khi lái và tuyên bố rằng sự cố này là một trường hợp cá biệt đã được giải quyết thành công.
Những khách hàng không bị ảnh hưởng nằm ngoài 600 chiếc (hơn 7.000 chiếc Omoda 5 đã được bán ở Malaysia) có thể liên hệ với đường dây chăm sóc Chery Malaysia +603 2771 7070 để kiểm tra xe của họ và sẽ cung cấp báo cáo đầy đủ về cuộc kiểm tra.
Một trang web riêng cũng sẽ được tạo ra để khách hàng kiểm tra xem xe của họ có nằm trong diện thu hồi hay không.
Theo báo Dân trí, tại thị trường Việt Nam, Omoda 5 dự kiến được đưa về nước vào quý III năm nay với tên gọi khác là Omoda C5. Một số nguồn tin cho hay xe sẽ được bán ra với 2 phiên bản, giá bán vẫn là một "ẩn số". Ban đầu, mẫu crossover hạng B này sẽ được nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia vào Việt Nam.
Theo kế hoạch, việc xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô của liên doanh Geleximco và Omoda & Jaecoo ở tỉnh Thái Bình sẽ được chia thành 3 giai đoạn, tổng số vốn đầu tư ước tính 800 triệu USD, tổng công suất 200.000 xe/năm. Giai đoạn 1 sẽ bắt đầu ngay trong quý III năm nay và hoàn thành vào quý I/2026, vốn đầu tư cho giai đoạn này là 220 triệu USD (khoảng 5.500 tỷ đồng), công suất dự kiến khoảng 50.000 xe/năm. Nhiều khả năng Omoda 5 sẽ được chuyển sang lắp ráp trong nước sau khi nhà máy này đi vào hoạt động.
Chery từng "đặt chân" vào thị trường Việt Nam vào năm 2009 thông qua đơn vị Liên doanh ô tô Hòa Bình (VMC) với sản phẩm mở đầu là Chery QQ3 có giá bán 10.000 USD (khoảng 180 triệu đồng tại thời điểm ra mắt). Dù có giá bán thấp nhất thị trường nhưng do sở hữu thiết kế ngoại thất được sao chép từ dòng hatchback hạng A Daewoo Matiz/Chevrolet Spark cùng rào cản về thương hiệu và nghi ngại về chất lượng nên Chery QQ3 không giành được thiện cảm của khách hàng Việt. Hãng tiếp tục giới thiệu thêm mẫu Chery Riich M1 với giá bán 288 triệu đồng trong năm 2010 nhưng cũng không để lại nhiều ấn tượng, sau đó phải rút khỏi thị trường.
Thất bại trong quá khứ có lẽ cũng là một phần nguyên nhân khiến Chery chọn bán xe mang hai thương hiệu con mới là Omoda và Jaecoo ở Việt Nam. Vụ việc ở Malaysia có thể là bài học kinh nghiệm cho liên doanh mới ở thị trường có hơn 100 triệu người này, nhất là khi những định kiến về ô tô và xe máy Trung Quốc vẫn còn tồn tại trong suy nghĩ của không ít người tiêu dùng Việt Nam.