Tương tự Khaisilk, nhiều doanh nghiệp tại đất nước nổi tiếng với chữ tín, lòng trung thực cũng có nhiều vụ việc lừa dối khách hàng, nhà đầu tư khiến thị trường tài chính Nhật Bản chao đảo.
Những ngày gần đây, bê bối tại doanh nghiệp Khaisilk về việc nhập khăn từ Trung Quốc và bán lẫn với khăn Việt Nam suốt từ những năm 1990 khiến nhiều người từng yêu thích thương hiệu này tỏ ra phẫn nộ. Trong khi cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, tìm cách bảo vệ người tiêu dùng thì uy tín và hình ảnh doanh nghiệp này đã lao dốc không phanh.
Không chỉ tại Việt Nam, ở Nhật – một đất nước nổi tiếng với chữ tín, tính kỷ luật cũng chứng kiến nhiều vụ việc tương tự.
Uy tín và danh tiếng dày công xây dựng hàng trăm năm của doanh nghiệp đã “sụp đổ” chỉ trong tích tắc. |
Gần đây nhất là bê bối tại tập đoàn 112 năm tuổi Kobe Steel – tập đoàn thép lớn thứ 3 của Nhật, thừa nhận đã làm giả dữ liệu về độ bền chắc của vật liệu nhôm và đồng do hãng sản xuất. Đối tác của tập đoàn này đã sử dụng thép để sản xuất ô tô, máy bay, tàu cao tốc, thậm chí là tên lửa vũ trụ.
Ngay lập tức, cổ phiếu Kobe sụt ngay 22%, xuống mức thấp nhất 5 năm chỉ 1 tuần sau đó và “bốc hơi” gần 2 tỷ USD. Không chỉ đối tác của doanh nghiệp này đã quay lưng, bắt tay với các đối thủ mà Kobe Steel còn đối mặt với án phạt khổng lồ tại Mỹ nếu Bộ tư pháp nước này xem xét vụ việc dưới cấp độ hình sự.
Tuy nhiên, trước mắt, uy tín và danh tiếng dày công xây dựng hàng trăm năm qua đã “sụp đổ” chỉ trong tích tắc.
Một trường hợp khác cũng tai tiếng không kém là vụ phá sản của hãng túi khí Takata. Theo đó, hãng này bị phát hiện đã giấu kín thông tin về các sản phẩm bị lỗi trong suốt nhiều năm, thậm chí cả sau khi nhiều túi khí do hãng này sản xuất bị nổ gây thương vong cho người dùng.
Sau chuỗi ngày lao đao vì bê bối, cuối tháng 6 vừa rồi, công ty 84 năm tuổi phải đệ đơn xin bảo hộ phá sản sau khi sản phẩm lỗi của hãng có liên quan tới 11 cái chết và dẫn đến thu rồi hàng chục triệu ôtô trên toàn thế giới.
Một bê bối lớn khác tại Nhật tại Toshiba cũng khiến giới tài chính hoang mang. Hãng công nghệ này thừa nhận đã khai man lợi nhuận lên ít nhất 1,2 tỷ USD trong khoảng thời gian từ 2008 tới 2014. Ngay sau đó, công ty này ghi nhận mức lỗ kỷ lục, buộc sa thải hàng loạt nhân viên, phá sản công ty con và bán các mảng kinh doanh để “sống sót” qua giai đoạn khó khăn.
Không chỉ các công ty sản xuất, gã khổng lồ ngành quảng cáo Nhật Bản Dentsu năm ngoái thừa nhận sai phạm trong việc thu phí khách hàng, “đút túi” 2,3 triệu USD.
Không chỉ thiệt hại về tài chính, hệ quả của các vụ bê bối khiến các doanh nghiệp “lên bờ xuống ruộng” mà không phải doanh nghiệp nào cũng vượt qua được. Khách hàng là đối tượng nhắm đến của các doanh nghiệp, là đối tượng quyết định sự “ăn nên làm ra” của họ. Tuy nhiên, một khi đã phản bội khách hàng, niềm tin đã mất đi như cốc nước bị đổ, khó có thể lấy lại được và như vết nhơ không thể mất trên con đường hoạt động của doanh nghiệp.
Minh Thư (T/h)