Quần áo, giày dép Made in Viet Nam bán tràn lan trên thị trường chủ yếu không được kiểm soát và phần lớn là hàng hóa có xuất xứ Trung Quốc.
Những ngày gần đây, cơn địa chấn "lụa Tàu" nhấn chìm đế chế nghìn tỷ hơn 30 năm dựng xây của doanh nhân Hoàng Khải khiến dư luận "dậy sóng". Ông chủ Khaisilk thừa nhận, sản phẩm khăn lụa nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn chiếm 50% sản phẩm khăn lụa đang kinh doanh tại các cửa hàng hệ thống Khaisilk, 50% còn lại nhập từ các làng nghề nổi tiếng của Việt Nam, chủ yếu là làng Nha Xá (Hà Nam).
Tuy nhiên, sự việc nhập nhèm nguồn gốc xuất xứ như trường hợp Khaisilk không phải là hãn hữu trên thị trường. Trong nhiều năm gần đây, thị trường thời trang "Made in VietNam" vô cùng sôi động. Từ số lượng chỉ đếm trên đầu tay những năm 2008 thì đến nay, dòng chữ này được phổ biến ở hầu hết các cửa hàng thời trang từ quần áo đến giày dép...
Khaisilk đã nhập khẩu sản phẩm lụa của Trung Quốc nhưng gắn mác "Made in Viet Nam". |
Kết quả điều tra người tiêu dùng năm 2016 do Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (BSA) cho thấy, hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt luôn là vấn đề nhức nhối khi chính các doanh nghiệp Việt Nam đã "châm ngòi" cho "phong trào" này.
Theo lực lượng chức năng của TP Hà Nội, nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã sang Trung Quốc đặt sản xuất các loại bếp gas, lò nướng, lò vi sóng…, sau đó dán nhãn mác mang thương hiệu của một số doanh nghiệp Việt Nam sản xuất để dễ tiêu thụ. Thậm chí, các mặt hàng nông, lâm, thủy sản cũng trong tình trạng tương tự và được bày bán công khai tại các chợ.
Các sản phẩm dễ bị đánh tráo và số lượng lớn trên thị trường là đồ dành cho phái đẹp. Tỷ lệ nhập sản phẩm Trung Quốc vào cửa hàng Made in Vietnam và gắn mác hàng Việt không phải là thấp.
Chủ một số cửa hàng thời trang còn cho biết, việc gắn mác Made in Vietnam không quan trọng và cũng không làm khó các shop, "nếu thích thì may vào". Do tâm lý người dân hàng được bán trong Made in Vietnam là hàng xịn, hàng tốt, an toàn nên các chủ cửa hàng làm vậy để thu hút khách hàng. Ngoài ra, việc bán hàng Trung Quốc giúp chủ các cửa hàng lãi tới 3 - 4 lần trong khi hàng nội chỉ lãi vài chục nghìn mỗi sản phẩm.
Điều này khiến không ít người tiêu dùng lập những topic trên các diễn đàn, mạng xã hội, "mách" nhau những địa chỉ Made in Việt Nam rởm để cùng nhau tẩy chay.
Những trường hợp như Khaisilk dù chỉ là "con sâu làm rầu nồi canh" nhưng khiến không ít người tiêu dùng mất niềm tin vào hàng trong nước. Các doanh nghiệp Việt sẽ phải mất nhiều thời gian để lấy lại niềm tin từ người Việt.
Minh Thư (T/h)