Theo báo Người lao động, ngày 12/5, khảo sát tại một số chợ truyền thống tại TP HCM như: Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), Đa Kao và Tân Định (quận 1) rất hiếm sạp trái cây có bán quả vải tươi. Trong khi cùng thời điểm này năm ngoái, trái vải tươi đã xuất hiện rất nhiều, giá chỉ 35.000 - 40.000 đồng/kg.
Do hàng hiếm nên giá vải tươi cao chót vót. Theo ghi nhận, giá vải tươi ở chợ lên tới 80.000 đồng/kg đối với loại mới còn nguyên cành, lá và 60.000 đồng/kg đối với hàng cũ, được tách quả riêng - cao gấp đôi cùng kỳ năm ngoái.
Vải đầu mùa năm nay có giá cao chót vót vì mất mùa
Tại siêu thị Co.opMart Rạch Miễu (quận Phú Nhuận), quả vải tươi có giá niêm yết gần 75.000 đồng/kg còn hệ thống cửa hàng cao cấp Farmer Market bán xấp xỉ 130.000 đồng/kg nhưng hàng có không đều.
Đại diện hệ thống Farmer Market cho biết hàng đang bán là vải trứng từ Đắk Lắk và chỉ bán trong ngày vì sau đó hàng bị xuống phẩm chất, không còn đạt tiêu chuẩn loại 1.
"Năm nay, vải mất mùa nghiêm trọng nên sản lượng rất ít. Nguyên nhân do hạn hán và một phần vì 2 năm trước cây vải được mùa nên cây bị kiệt sức" – đại diện hệ thống này lý giải.
Chị Nguyễn Thị Vân (quận Phú Nhuận), một đầu mối chuyên bán nông sản Đắk Lắk, cho hay nhiều khách quen hỏi mua vải Tây Nguyên đầu mua nhưng chị chưa có hàng bán.
"Lễ vừa rồi tôi về quê Đắk Lắk ghé các vườn quen tìm nguồn hàng nhưng chưa được vườn nào phù hợp. Vải năm nay mất mùa, nhiều vườn bị sâu đầu cuống mà giá lại cao nên bán lẻ cho người quen rất khó" – chị Yến lý giải.
Theo báo VTC News, gia đình ông Phạm Văn Hùng (thôn 2, xã Dang Kang, huyện Krông Bông) cũng phát rầu vì vườn vải rộng hơn 1,5 héc-ta nhưng chỉ lác đác quả. Ông Hùng cho hay, năm trước, vườn vải cho thu hoạch gần 2 tấn quả, còn năm nay ước tính chỉ bằng 1/10 năm ngoái.
Theo ông Hùng, vải mất mùa do thời điểm cây vải ra hoa đậu quả, thời tiết nắng nóng kéo dài. Trong khi đó, để cây ra lộc, kết trái cần khoảng thời gian đủ lạnh. Ông Hùng nhẩm tính, với mức giá 50.000 đồng/kg như hiện nay, số tiền bán quả vải chỉ đủ trả tiền phân bón.
Bà Lương Thị Ngọc (xã Ea Pil, huyện M’đrắk) cũng ngậm ngùi vì đến vụ thu hoạch nhưng 200 gốc vải u hồng chỉ toàn màu xanh của lá. Bà Ngọc cho hay, cây vải khó trồng hơn nhiều loại cây khác, do đó gia đình bà tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăm sóc, kỹ thuật khoanh cây, siết nước để cây ra hoa, đậu quả.
Tuy nhiên, thời tiết là yếu tố rất khó kiểm soát. Thời điểm cây vải ra hoa, đậu quả rất cần nhiệt độ đủ lạnh; nhưng năm nay trời không lạnh lắm. Bà Ngọc xác định vụ vải năm nay coi như mất trắng; gia đình bà đang dồn lực chăm sóc vườn cây để gỡ gạc vụ sau.
Theo ông Nguyễn Thế Thập, Trưởng phòng NN&PTNT huyện M’đrắk, năm nay cây vải ít đậu quả do thời tiết nắng nóng quá khắc nghiệt. Toàn huyện có hơn 200 héc-ta vải, song vườn nào cũng giảm sản lượng, không ít trường hợp bị mất trắng. Ông Thập nói rằng, cây vải được người dân chọn trồng nhờ ưu thế quả chín sớm, giá cả ổn định.
Chủ tịch Hội Cây ăn quả Đắk Lắk Nguyễn Thanh Sơn cho biết, toàn tỉnh có khoảng 5.000 héc-ta cây vải, tập trung ở các huyện Ea Kar, Krông Năng, Krông Pắc… Năm nay, không riêng vải thiều, các loại cây ăn quả khác cũng được dự báo mất mùa, giảm sản lượng. Theo ông Sơn, qua nắm thông tin từ các hội viên, sản lượng vải thiều giảm tới 40%, nhiều trường hợp gần như mất trắng.